Gửi ý
kiến BQT
Gửi tin
Nhịp sống

Điện toán đám mây: PaaS – Cơ hội mới và thách thức mới

Nghe bài viết dạng audio

Phương Anh đã đăng lúc 14:24 - 10.01.2024

Điện toán đám mây (Cloud computing) được dự báo sẽ trở thành động lực của ngành công nghệ thông tin trong công cuộc số hóa tương lai với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Trong lĩnh vực Cloud rộng lớn này, PaaS (Platform-as-a-service) dường như có thị phần tương đối nhỏ nhưng có tiềm năng mạnh mẽ nhất khi so sánh với các SaaS (Software-as-a-service) và IaaS (Infrastructure-as-a-service).

Giới thiệu về PaaS

Định nghĩa PaaS: PaaS (platform-as-a-service) – nền tảng dưới dạng dịch vụ, là một tập hợp các dịch vụ điện toán đám mây được sử dụng để xây dựng và quản lý các ứng dụng và dữ liệu tại chỗ hoặc trong đám mây. PaaS cung cấp các thành phần cơ sở hạ tầng và phần mềm trung gian trong đám mây cho phép các nhà phát triển và quản trị viên CNTT xây dựng và quản lý các ứng dụng di động và ứng dụng web.

Tại sao lại cần PaaS?

Đối với các doanh nghiệp, PaaS đi kèm với các lợi ích cơ bản của điện toán đám mây, bao gồm tính minh bạch, cung cấp chìa khóa trao tay, khả năng mở rộng phạm vi theo nhu cầu, khắc phục sự cố và cung cấp dashboard để quản lý dễ dàng hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể:

  • Chuẩn hóa và đơn giản hóa các tác vụ CNTT trong doanh nghiệp
  • Tăng tốc độ thực hiện các sáng kiến kinh doanh với công cụ CNTT sẵn có
  • Giảm thiểu rủi ro vận hành, bảo mật và quản trị.

Điểm khác biệt với SaaS, IaaS và PaaS: 3 khái niệm nhắc đến lần lượt là:

  • IaaS: Infrastructure as a Service – Các công ty dịch vụ cho thuê cơ sở hạ tầng bao gồm server, ổ cứng, mạng.
  • PaaS: Platform as a Service – Nền tảng công nghệ thông tin được cung cấp dưới dạng dịch vụ
  • SaaS: Software as a Service – Sản phẩm phần mềm mà các công ty phần mềm cung cấp dưới dạng dịch vụ, người dùng sẽ trả tiền thuê hàng tháng

IaaS, PaaS và SaaS là ba phân loại của điện toán đám mây. Các dịch vụ này đã tăng trưởng thần tốc trong một thập kỷ qua, với doanh thu toàn cầu tăng từ 90 tỷ đô la trong năm 2016 tới hơn 312 tỷ đô la trong năm 2020.

Nếu chưa từng dùng dịch vụ Cloud, nhiều người sẽ thấy mơ hồ với những khái niệm này. Để dễ hình dung hơn, chúng ta sẽ lấy ví dụ Pizza as a Service, dựa trên ví dụ thú vị từ Albert Barron – kỹ sư phần mềm tại IBM để làm rõ sự khác biệt giữa các dịch vụ Cloud.

 

Làm Pizza

Làm phần mềm

On-premise

Tự nuôi bò lấy sữa làm phô mai, tự trồng cà chua làm sốt, tự trồng lúa mì để làm đế bánh, sau đó tự xây lò nướng, hái củi, nướng bánh và tự phục vụ bánh pizza tại nhà.

Tự mua phần cứng, tự lắp mạng, mua IP tĩnh, gắn domain, cài hệ điều hành, cài runtime (Java, PHP, MySQL), triển khai ứng dụng, …  để mọi người có thể dùng ứng dụng của mình

 

IaaS

Mua sẵn phô mai, topping, sốt cà chua, đế bánh từ siêu thị. Sau đó chỉ việc đặt các topping  lên đế bánh, đặt vào lò nướng, bánh nướng xong thì bỏ ra bàn để ăn sau đó tự dọn dẹp.

Công ty khác sẽ cho bạn thuê cơ sở hạ tầng (infrastucture) bao gồm server, ổ cứng, mạng. Tại đây, bạn có thể cài bất kỳ những gì bạn muốn cài gì cũng được, tải code gì lên cũng được.

PaaS

Gọi giao hàng pizza về nhà. Pizza giao đến đã được nướng và sẵn sàng để ăn, về đến nhà chỉ cần đặt lên bàn và thưởng thức. Sau đó, khách hàng chỉ cần dọn dẹp lại vụn bánh và rửa dao dĩa nếu có

Nhà cung cấp sẽ lo cho bạn từ OS (Windows hoặc  Linux) cho tới Runtime (Docker, NodeJS, C#, Java), chỉ cần tải code vào chạy là được.

SaaS

Đến tận cửa hàng pizza để ăn pizza. Tại đây khách hàng được phục vụ từ A-Z, không cần trồng trọt, nấu nướng, dọn dẹp. Việc đó đã có nhà hàng chuẩn bị tất cả. Khách hàng chỉ cần thưởng thức, trả tiền và ra về.

Bạn sử dụng phần mềm do một bên cung cấp, không cần cài đặt hay chỉnh sửa gì và phải trả tiền thuê dịch vụ cho người bán, ví dụ như Gmail, Dropbox, Salesforce

Lựa chọn giữa IaaS, PaaS và SaaS phụ thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp. Càng ở cấp thấp, doanh nghiệp càng phải tự quản lý nhiều hơn, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ được kiểm soát nhiều hơn và thoải mái lựa chọn cấu phần của sản phẩm như chọn phần cứng, chọn hệ điều hành. Lên mức cao hơn, doanh nghiệp đỡ tốn nguồn lực để phát triển các tính năng của sản phẩm, thay vào đó công ty cung cấp dịch vụ sẽ chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm, đảm bảo sự mượt mà trong việc triển khai các sản phẩm đó.

Thị trường PaaS

Quy mô thị trường

Thị trường điện toán đám mây nói chung được dự báo sẽ tăng trưởng trong vài năm tới, mặc dù có sụt giảm nhẹ vào năm 2021 và 2022. Đồng thời, thị trường toàn cầu cho các dịch vụ đám mây công cộng đã vượt quá 490 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022. Mặc dù SaaS chiếm ưu thế với hơn 50% toàn bộ thị trường cloud, PaaS đang là dịch vụ nổi lên với hơn 20%, trị giá hơn 100 tỉ USD doanh số vào năm 2022. Theo báo cáo của Gartner, doanh thu từ việc người dùng cuối sử dụng cloud công cộng tăng 20.7% vào năm 2023, lên đến 592 tỉ đô trên phạm vi toàn cầu, trong đó PaaS có tốc độ tăng trưởng ấn tượng vơi CAGR 23.2%/ năm. Trong tương lai, dịch vụ PaaS được dự kiến có tốc độ tăng trưởng hàng năm 16.74$ trong giai đoạn 2023-2027, đạt được quy mô thị trường 210.4 tỷ đô vào năm 2027.

Nhân tố thúc đẩy phát triển thị trường

Gia tăng nhu cầu dịch vụ lưu trữ đám mây: PaaS cung cấp một nền tảng mà ở đó các nhà phát triển CNTT có thể xây dựng hoặc chỉnh sửa các ứng dụng dựa trên đám mây. Hơn 44% tất cả các ứng dụng đều được phát triển đơn lẻ và tại chỗ, nhưng đến 95% các doanh nghiệp đã xác định kế hoạch mở rộng đầu tư vào cloud trong vòng 12 tháng tới.

Tỉ lệ chuyển đổi số tăng cao: Mọi quốc gia trên thế giới đều đang hướng đến mục tiêu số hóa trong mọi lĩnh vực và PaaS có thể chính là một trong những yếu tổ quan trọng nhất để thúc đẩy điều đó, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. 90% các doanh nghiệp trên toàn cầu đã thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt đến 55% các start-up toàn cầu đã đưa ra chiến lược digital-first.

Số lượng doanh nghiệp mới mở tăng cao: Số lượng doanh nghiệp tăng mạnh được dự báo sẽ đẩy mạnh nhu cầu sử dụng dịch vụ PaaS. Mỗi năm, gần 300 triệu người trên thế giới đang có dự định mở hơn 150 triệu doanh nghiệp mới và hơn 1/3 số đó được dự báo sẽ chính thức bắt đầu kinh doanh hàng, tương đương với khoảng 137K doanh nghiệp mới mỗi ngày.

Nhu cầu giảm thời gian nghiên cứu sản xuất để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường: Khoảng 71 hàng mẫu trải qua quá trình từ ý tưởng đến thực thi trong vòng 2 năm. Hơn nữa, trong ngành năng lượng, thời gian đó là 7 năm, một số sản phẩm dịch vụ còn lên đến 20 nghiên cứu. Với PaaS, thời lượng phát triển sản phẩm có thể giảm bớt nhờ khả năng giảm thời gian code, tăng quy mô, giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ qua các công cụ có sẵn trong nền tảng.

Sự phát triển của thiết bị IoT: Các nền tảng IoT PaaS cho phép người dùng quản lý toàn diện hơn hệ thống kết nối với IoT của họ. Năm 2023, có hơn 16 tỷ kết nối IoT với thiết bị trên toàn cầu, tốc độ phát triển hàng năm 19%, trong đó cellular IoT chiếm 26% tương đương 2.7 tỷ kết nối. Đến năm 2028, dự báo có đến 27 tỷ kết nối IoT trên toàn cầu, đồng nghĩa với đó là sự bùng nổ của các nền tảng IoT PaaS đi kèm để doanh nghiệp và cá nhân quản lý hiệu quả các kết nối này.

Thách thức của thị trường

Vấn đề bảo mật liên quan đến cloud công cộng: Khi được đẩy lên cloud, các dữ liệu có nguy cơ bị lộ lọt dưới dạng không mã hóa từ máy tính của cơ quan thay vì máy tính cá nhân. Hơn nữa, có khả năng là dữ liệu được tải lên cloud công cộng sẽ bị sử dụng sai mục đích mà cá nhân không thể kiếm soát được vấn đề này.

Cloud washing: Khi các bộ phận marketing gán nhãn cho các chương trình để nó trở nên hấp dẫn hơn, cụm từ “cloud washing” đúng trong trường hợp này của điện toán đám mây. Hệ thống PaaS được cloud-wash khác với cloud nguyên bản, bởi nó cung cấp kiến trúc đám mây tương tự và các Phương thức lập trình tương đương, tuy nhiên bị giới hạn khả năng ở đó và không thể thực hiện các thao tác phức tạp hơn của cloud nguyên bản. Người dùng cuối thường không phân biệt được trường hợp này và phải trả nhiều tiền hơn cho các hệ thống không thực sự hiệu quả. Các giải pháp cloud wash chiếm nhiều dung lượng của hệ thống (như CPU và bộ nhớ) và đòi hỏi nhiều tác vụ hành chính hơn. Vì vậy, việc sử dụng các giải pháp cloud-wash có thể rẻ hơn nhưng thực chất đang làm giảm hiệu năng, cản trở sự phát triển của điện toán đám mây.

Xu hướng kinh doanh

Cloud hội tụ và PaaS đa đám mây

Nhiều công ty đang áp dụng các chiến lược hybrid cloud và multi-cloud, kết hợp đám mây công cộng, đám mây riêng và cơ sở hạ tầng tại chỗ. Tuy nhiên, họ phải hiểu đầy đủ nhu cầu của toàn bộ tổ chức và xác định khối lượng công việc nào có thể dựa trên đám mây, phải vẫn còn tại chỗ và làm thế nào để hoạt động tốt nhất trong môi trường hybrid.

Với xu thế kiến trúc multi-cloud đang nổi lên, dịch vụ cloud, bảo mật và kết nối mạng được tích hợp làm một, không còn là những thiết bị riêng rẽ. Các tổ chức không chỉ sử dụng nhiều nền tảng đám mây công cộng chẳng hạn như nền tảng Azure, AWS và Google Cloud, họ thường triển khai nhiều PaaS khác nữa.

Các dịch vụ phần mềm có thể hoạt động cùng với các ứng dụng dựa trên đám mây và các nhà cung cấp PaaS đang phục vụ xu hướng này bằng cách cung cấp các khả năng tích hợp và quản lý liền mạch trên các môi trường đám mây khác nhau. Họ cung cấp các công cụ và dịch vụ để cho phép chuyển khối lượng công việc, đồng bộ hóa dữ liệu và quản lý các tài nguyên thống nhất trên các kiến trúc lai và đa đám mây.

Trí tuệ nhân tạo AI

Một xu hướng khác không thể không nhắc tới đó là trí tuệ nhân tạo. Theo báo cáo của IBM về chỉ số sử dụng AI (IBM Global AI Adoption Index) 2022, 35% các công ty trên toàn thế giới đã ứng dụng AI trong vận hành và sản xuất kinh doanh, trong khi 42% vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Các nhà cung cấp PaaS đang tích hợp Machine Learning (ML) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào các nền tảng của họ. Họ cung cấp những mẫu ML đã xây dựng sẵn, APIs và khung mẫu cho các công việc như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng hình ảnh và phân tích dự báo. Các nhà phát triển phần mềm có thể tích hợp các chức năng ML và AI vào các ứng dụng của họ mà không phải thực sự xây dựng và đào tạo các mô hình.

Case study mô hình kinh doanh

Window Azure

Value proposition

  • Dịch vụ chính:
    • Window Azure: hệ thống vận hành dịch vụ cloud
    • SQL Azure: cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu
    • AppFabric: bộ dịch vụ .NET
  • Tích hợp với các dịch vụ và sản phẩm khác của Microsoft
  • Host các ứng dụng đã được xây dựng
  • Bộ phát triển phần mềm (Software developer kit – SDK)

Phân khúc khách hàng

  • SME
  • Nhà cung cấp phần mềm độc lập (ISV)

Quan hệ khách hàng

  • Mạng lưới các nhà phát triển Microsoft (Microsoft Developer Network – MSDN)
  • Forums, FAQs và sự kiện
  • Chuyển giao kiến thức online qua Trung tâm cộng đồng MSDN

Kênh

  • Theo yêu cầu

Dòng tiền doanh thu

  • Thuê bao hàng tháng, chia theo 3 gói khác nhau
    • Window Azure Core: $59.95/đơn vị nền tảng/tháng
    • Window Azure & SQL Azure: $109.95/đơn vị nền tảng/tháng
    • SQL Azure Core: $74.95/đơn vị nền tảng/tháng
  • Dựa trên giao dịch chia theo phân loại dịch vụ, trả tiền mỗi lần sử dụng: điện toán, sử dụng mạng ảo, sử dụng dịch vụ lưu trữ và trả thêm tiền bảo hiểm
  • Gói cước cho MSDN và đối tác

Facebook Developers

Nền tảng Facebook Developer cung cấp công cụ và môi trường để tích hợp ứng dụng vào Facebook, cho phép doanh nghiệp và cá nhân cung cấp ứng dụng tích hợp ứng dụng của họ lên website Facebook, giúp tiếp cận hàng triệu người dùng. Hiện tại có hơn 550,000 ứng dụng đã hoạt động trên nền tảng Facebook với hơn hơn 20 triệu lượt tải mỗi ngày.

Value proposition

  • Truy cập vào mạng xã hội Facebook
  • Công cụ và môi trường để tích hợp ứng dụng khác vào Facebook, giúp tiếp cận hàng triệu người dùng
    • Đọc và viết dữ liệu trên Facebook
    • Plugin để dễ dàng tích hợp vào tính năng của Facebook
    • APIs nâng cao: Graph Relatime API, Facebook Query Language (FQL), Facebook Markup Language (FBML)
  • Tỉ lệ tiếp cận tốt trong chợ ứng dụng trên Facebook

Phân khúc khách hàng

  • Người dùng mạng xã hội Facebook
  • Nhà phát triển phần mềm (doanh nghiệp hoặc cá nhân)

Quan hệ khách hàng

  • Facebook developer web page
  • Tài liệu oline
  • Forum, blog và showcase

Kênh

  • Theo yêu cầu

Dòng tiền doanh thu

  • Quảng cáo
  • Chia sẻ doanh thu – thông thường Facebook thu 30% doanh thu của các ứng dụng triển khai trên nền tảng này

Công nghệ luôn phát triển và PaaS cũng không ngoại lệ. Trong tương lai, PaaS nói riêng hay các dịch vụ điện toán đám mây nói chung sẽ là những yếu tố không thê thiếu đối với các doanh nghiệp, đóng góp lớn cho sự phát triển chung của CNTT thế giới. Viettel – với nền tảng của ngành viễn thông và công nghệ, có thể nắm bắt làn sóng này để tận dụng cơ hội kinh doanh, mở rộng cơ hội gia tăng doanh thu.

102 | 0 Bình luận | 2 Thích