Gửi ý
kiến BQT
Gửi tin
Nhịp sống

Nhà mạng thấy gì khi Apple hỗ trợ chuẩn tin nhắn RCS trên iphone?

Nghe bài viết dạng audio

Văn Tuệ đã đăng lúc 09:59 - 04.12.2023

Apple cho biết sẽ bổ sung công nghệ RCS lên ứng dụng nhắn tin, tương tự điện thoại Android vào năm 2024.

"Cuối năm tới, thiết bị của Apple sẽ hỗ trợ RCS, chuẩn tin nhắn được xác lập bởi Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu GSM. Chúng tôi tin RCS cho khả năng tương tác và trải nghiệm tốt hơn công nghệ SMS/MMS", Jacqueline Roy, đại diện Apple, xác nhận với 9to5Mac.

Theo The Verge, thay đổi của Apple là một trong những cách nhằm đối phó với Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu. Một số điều khoản trong đó yêu cầu nhà sản xuất điện thoại phải thiết kế ứng dụng mở, giúp người dùng tương tác với nhiều nền tảng.

Vậy RCS là gì?

Rich Communication Services (RCS) là tiêu chuẩn mới của thế hệ tin nhắn văn bản (SMS) tiếp theo, là cách thức nhắn tin miễn phí qua Internet giữa các nhà mạng với nhau, cũng giống như WhatsApp, Facebook Messenger, iMessage và nhiều dịch vụ tương tự khác khi cho phép người dùng truyền tải được nhiều nội dung hơn.

RCS là một tiêu chuẩn được thành lập năm 2007 bởi một nhóm các nhà khởi xướng trong ngành công nghiệp viễn thông. Đến năm 2008 thì chuẩn này được hiệp hội GSM tiếp nhận và đến nay, RCS được hỗ trợ bởi 55 nhà khai thác dịch vụ viễn thông, 11 nhà sản xuất thiết bị và 2 nhà cung cấp OS gồm Google và Microsoft theo chương trình Universal Profile. Google hỗ trợ RCS trên các thiết bị chạy Android với ứng dụng Android Messages mặc định nhằm cạnh tranh với iMessage của Apple.

RCS khác gì với tin nhắn SMS và app chat OTT?

Nếu so với SMS thông thường phải chịu phí lẫn các hạn chế trong tính năng thì RCS thực sự nhỉnh hơn rất nhiều. Với RCS, bạn không phải đăng ký dịch vụ mất phí với bên thứ ba (phía nhà mạng), chỉ khi nào không có đường truyền Internet thì tin nhắn RCS sẽ tự động trở thành tin nhắn SMS thông thường nên bạn sẽ không phải quá lo là tin nhắn không được gửi đi.

Sự khác nhau lớn nhất giữa RCS và các ứng dụng nhắn tin OTT dựa trên Internet hiện nay là bạn không cần phải đăng ký thông tin nhiều. Để ứng dụng RCS hoạt động thì tất cả những gì bạn cần là số điện thoại, smartphone và nhà cung cấp dịch vụ có hỗ trợ RCS trong khi các app chat OTT yêu cầu cần tạo tài khoản riêng.

Lợi ích mà RCS mang lại cho người dùng iphone?

Công nghệ RCS sẽ giúp Apple bổ sung một số tính năng cho tin nhắn xanh lá, như hiển thị thông báo đã đọc, chỉ báo đang gõ tin nhắn, khả năng gửi và nhận hình ảnh, video chất lượng cao hơn. Người dùng cũng có thể chia sẻ vị trí của bản thân ngay trong đoạn chat. Ngoài ra, kết nối RCS hoạt động được bằng dữ liệu di động và wifi.

Việc Apple áp dụng tiêu chuẩn RCS lên iPhone là tin tốt đối với người dùng iPhone và Android. Mặc dù Apple xác nhận họ vẫn sử dụng hai màu sắc để phân biệt tin nhắn trên iMessage và RCS, thế nhưng đây vẫn là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện trải nghiệm nhắn tin của người dùng giữa hai nền tảng này.

Nhà mạng hưởng lợi gì khi apple hỗ trợ chuẩn tin nhắn RCS?

Theo thống kê trên thị trường, hiện nay tin nhắn OTT đang chiếm ưu thế vượt trội về lưu lượng P2P cũng như doanh thu mang lại từ tập khách hàng doanh nghiệp, tin nhắn nhà mạng vẫn chủ yếu là SMS và vẫn đang sụt giảm đều.

Với cái gật đầu từ apple, RCS sẽ mở ra một cánh cửa mới để thúc đẩy dịch vụ khách hàng với tính năng tiên tiến, tiện ích mạnh mẽ, phân chia lại thị phần doanh thu đang rơi vào tay đối thủ OTT. RCS sẽ thúc đẩy cộng đồng end-user gắn bó với nhà mạng hơn qua các trải nghiệm mới trên ứng dụng tin nhắn trực tiếp (Native App), gia tăng sử dụng các dịch vụ được trang bị sẵn: gửi tin nhắn hình ảnh, video, sticker, chia sẻ file, chia sẻ vị trí, thực hiện cuộc gọi thoại … tất cả trong một “siêu ứng dụng”.

Không giống như các tài khoản OTT được tạo ra một cách nhanh chóng, không kiểm chứng hay xác thực thông tin pháp lý, thuê bao nhà mạng vẫn được coi là các tài khoản rất tin cậy với đầy đủ thông tin nhận dạng thuê bao (KYC), điều này làm nên một kênh truyền thông “Trust Channel” cho tập khách hàng doanh nghiệp, đây là lợi thế vượt trội của nhà mạng cùng với khả năng cung cấp tương tác đa chiều (A2P, P2A) sẽ tạo ra các giá trị kết nối mới trong xu thế “Conversational Commerce” và theo đó sẽ mang lại giá trị và chất lượng dịch vụ ở cấp độ cao hơn.

233 | 0 Bình luận | 4 Thích