Gửi ý
kiến BQT
Gửi tin
Nhịp sống

Voice over 5G (Vo5G) – dịch vụ tăng trưởng mạnh trong tương lai

Nghe bài viết dạng audio

Phòng NCTT - TT Di động đã đăng lúc 09:10 - 19.12.2023

Theo hãng nghiên cứu thị trường Juniper Research dự tính tổng số phút sử dụng Vo5G (Voice Over-5G) sẽ đạt 4,7 nghìn tỷ phút đến năm 2028, chiếm 42% tổng số phút gọi và tăng trưởng 500% so với năm 2023

Voice Over 5G là gì?

Vo5G hay còn gọi là VoNR (Voice over New Radio) sử dụng công nghệ lõi 5G cung cấp dịch vụ thoại cải tiến với độ phân giải giọng nói cao và khả năng tích hợp các giải pháp dựa trên IP qua giọng nói. Sự khác biệt của Vo5G với VoLTE rõ ràng nhất là công nghệ 5G thay vì LTE với việc tăng dung lượng băng thông lên gấp nhiều lần. Băng thông tăng lên cho phép sử dụng codec tốt hơn để tăng độ rõ nét, âm thanh chân thực hơn; đồng thời tốc độ bit cao hơn làm giảm độ trễ, thời gian kết nối cuộc gọi. Cuộc gọi Vo5G sẽ nhanh chóng hơn cùng với đó là cải thiện tính liên tục và độ tin cậy nhằm hạn chế việc gián đoạn hội thoại.

Zain Kuwait là nhà mạng đầu tiên trên thế giới công bố việc triển khai dịch vụ Vo5G trên thế giới vào năm 2022, cũng trong năm đó nhà mạng T- Mobile của Mỹ cũng thông báo triển khai dịch vụ này và hiện có mặt tại 6 thành phố tại Mỹ. Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương các nhà mạng cũng đang tập trung nghiên cứu và sẽ sớm đưa Vo5G/ VoNR cùng các tính năng tương thích vào thương mại hóa trong thời gian tới đây. Vo5G/ VoNR hiện đang chỉ bắt đầu, nó cũng cần chặng đường như VoLTE để thể hiện được sự vượt trội cũng như trở nên phổ biến hơn nhưng có thể đây chính là tương lai của dịch vụ thoại.

Để sử dụng dịch vụ mới này, người dùng cần 3 thứ: điện thoại hỗ trợ Vo5G, nhà mạng cung cấp Vo5G và tín hiệu 5G trong khu vực của người gọi và người nghe. Thực tế cho thấy, để dịch vụ này trở nên phổ biến hơn cần nỗ lực từ phía nhà mạng cung cấp dịch vụ và vùng phủ cùng các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối ra mắt các sản phẩm tích hơp công nghệ hỗ trợ. Đến 2023 mới chỉ có 1 số ít dòng smartphone hỗ trợ dịch vụ này như: Samsung S21 – S23 Series, Samsung Z Flip 5, Google Pixel 7,… nhưng theo lịch trình các hãng như Huawei, Xiaomi, Realme,… đều đang triển khai và sẽ sớm cho ra mắt các dòng điện thoại thông minh hỗ trợ công nghệ Vo5G để bắt kịp nhu cầu của khách hàng.

Vo5G sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai

Juniper Research dự báo rằng doanh thu thoại truyền thống từ thuê bao di động của các doanh nghiệp viễn thông sẽ sụt giảm nghiêm trọng từ 230 tỷ USD vào năm 2023 xuống còn 182 tỷ USD vào năm 2028. Theo số liệu của Omdia, hiện thế giới có 1,8 tỷ thuê bao 5G, dự báo đến 2028 sẽ có 7,8 tỷ thuê bao, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng như nhu cầu ngày một tăng của khách hàng, các nhà mạng cần cung cấp các dịch vụ trên nền tảng 5G để thu hút và đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng ngay cả với các dịch vụ cơ bản như thoại.

Vo5G với các thế mạnh của công nghệ mới làm cải thiện hiệu quả mạng, giảm chi phí vận hành có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghệ thoại từ 2G/3G sang 4G, 5G. Ngoài ra, Vo5G đem đến cuộc gọi video và âm thanh phân giải cao trong thời gian thực là yếu tố quan trọng cho việc hỗ trợ các ứng dụng 5G mới như công nghệ AR/VR, hình ảnh 3D khi đàm thoại.

Trong năm 2023, nhà mạng China Mobile và KT đã hợp tác cùng giới thiệu các tính năng mới phát triển từ dịch vụ Vo5G như: Roaming quốc tế trên mạng 5G, dịch thuật thông minh theo thời gian thực, cho phép khách hàng thay hình ảnh đại diện ảo, thêm emoji khi đàm thoại video, hỗ trợ người dùng quản lý các hoạt động thông qua menu trực quan và hướng dẫn và chú thích AR.

Hơn thế nữa trong thời đại chuyển đổi số và kết nối IoT, dịch vụ thoại đang mở rộng từ kết nối con người với con người tới thị trường kết nối con người với vạn vật. Hiện tại, mặc dù các dịch vụ thoại định hướng khách hàng cá nhân truyền thống đang bị đe dọa bởi thoại OTT, nhưng đây vẫn là dịch vụ cơ bản gắn liền với doanh thu di động và là một phần của các gói cước 5G. Do đó, phát triển Vo5G/VoNR cùng với mạng 5G có thể đem lại nguồn doanh thu mới cho các nhà mạng.

Juniper Research đưa ra lời khuyên tới các nhà mạng nên phát triển các giải pháp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thoại 5G của các doanh nghiệp: “Nhà mạng cần tận dụng các kiến trục mạng ảo cao để nhanh chóng triển khai các dịch vụ như: giọng nói có thể lập trình, tính năng ẩn cuộc gọi, cuộc gọi flash nhằm tối đa hóa doanh thu từ thoại 5G”. Ngoài ra Juniper cũng đề cập việc ra mắt GSMA Open Gateways 2023 là nền tảng lý tưởng để triển khai nhanh chóng dịch vụ Vo5G/VoNR. Để tối đa hóa doanh thu thoại trong tương lai, hãng khuyến nghị các nhà mạng nên triển khai firewall thoại để phân biệt thoai P2P và lưu lượng thoại doanh nghiệp từ đó dễ dàng tính phí thoại cho doanh nghiệp như cách hệ sinh thái SMS kinh doanh được thiết lập như hiện nay.

Vo5G là xu thế mới của dịch vụ thoại trong bối cảnh 5G liên tục phát triển như hiện nay. Nhà mạng cần chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ cũng như phát triển vùng phủ 5G để dịch vụ này dễ dàng triển khai và tiếp cận người dùng. Hơn thế, với các ưu thế về băng thông của 5G, nhà mạng cần nghiên cứu và triển khai ứng dụng dịch vụ Vo5G cho các khách hàng doanh nghiệp để đem lại nguồn thu mới.

97 | 0 Bình luận | 4 Thích