Gửi ý
kiến BQT
Gửi tin
Nhịp sống

Hành trình 20 năm đi mở mạng - "Chúng tôi tự hào là những người đầu tiên"

Hoài Hương - Viettel TP. HCM đã đăng lúc 14:36 - 06.08.2020

Trong đó không thể không nhắc đến một người Anh cả, anh Đặng Trần Hùng - GĐ Trung tâm Điện thoại Di động phía Nam lúc bấy giờ - là niềm tự hào của những người xây “những viên gạch đầu tiên".

Trong những năm 2000-2004, khi Viettel chưa có tên tuổi gì trong làng Viễn thông, những người vào Viettel công tác chắc cũng không thể hình dung được tương lai của Viettel sẽ phát triển như thế nào khi mọi thứ đều mới mẻ, thiếu thốn về mọi thứ. Thế nhưng bước chân vào Viettel cũng là cơ duyên dù mỗi người một hoàn cảnh và trình độ cũng khác nhau, nhưng không hiểu sao không ai bảo ai, cứ thấy việc là lăn xả làm, làm quên giờ, quên ăn, quên cả mệt mỏi. Đó là những người đầu tiên của Trung tâm Điện thoại Di động phía Nam, những con người Viettel tâm huyết với nghề, yêu công việc mình đã chọn, dù đồng lương lúc đó ít ỏi, điều kiện làm việc thì không được như bây giờ! Trong đó không thể không nhắc đến một người Anh cả, Anh Đặng Trần Hùng – Giám đốc Trung tâm Điện thoại Di động phía Nam lúc bấy giờ - là niềm tự hào của những người xây “những viên gạch đầu tiên” trên chặng đường đi mở mạng.

Trong một buổi nói chuyện thân tình với chúng tôi về những ngày đầu đi mở mạng, Anh Đặng Trần Hùng (nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Viettel TP.HCM, nay đang nghỉ chờ hưu) chia sẻ: Chuyển công tác từ đơn vị Lữ đoàn 596 sang Viettel vào năm 1998. Trung tâm Điện thoại Di động phía Nam được thành lập từ năm 2002 và trụ sở đầu tiên ở tại số 21 Đống Đa với nhân sự chỉ có 25 người, Anh được giao nhiệm vụ Phụ trách Trung tâm. Mọi thứ đều hoàn toàn mới mẻ, đa phần CBCNV lúc bấy giờ chỉ nắm các kiến thức về di động qua lý thuyết được học tại các trường, qua tài liệu và tự mày mò nghiên cứu. Chưa ai có một chút kinh nghiệm thực tế nào, chưa hình dung được trạm BTS, thiết bị thu phát thực tế ra sao. Công việc thì vất vả, điều kiện làm việc còn thiếu thốn nhưng ngày ấy mọi người làm việc hết mình bằng sự nhiệt huyết, yêu nghề. Thời điểm đó, việc đi sớm về muộn thường xuyên là chuyện bình thường, có hôm 9 – 10 giờ đêm mới rời văn phòng nhưng không một ai kêu ca, than thở gì. Mọi người làm việc với nhau bằng cái tâm, cái tình như người thân trong gia đình; việc gì khó cũng đều hỗ trợ nhau cùng làm, cùng gỡ, không hề ngại khổ, ngại khó, không phân biệt việc của ai.

Nhớ lại những ngày tháng đầu tiên còn đi thuê nhà trạm, bao khó khăn chồng chất. Người dân lúc đó còn chưa biết trạm BTS là gì, chưa hình dung nó to lớn cỡ nào, nặng ra sao, có ảnh hưởng gì đến kết cấu xây dựng, móng nhà hay không… nên đi thuê nhà trạm không phải là việc dễ dàng, có khi đi 3 - 4 lần đến thuyết phục mà chủ nhà vẫn đắn đo, chần chừ không muốn cho thuê. Khó nhất là thuê nhà trạm ở Quận 5, nơi rất đông người Hoa sinh sống! Có người thờ ơ, không mặn mà gì với việc cho thuê nhà mặc dù anh em tiếp xúc rất nhiều lần và thuyết phục mọi cách như: Giải thích một cách thật dễ hiểu cho người dân hiểu về mức độ an toàn khi lắp đặt, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe như người dân đã nghĩ, thủ tục cho thuê cũng đơn giản.... Nhưng cũng có chủ nhà rất “dễ thương”, chỉ trong vòng 30 phút là đã ký thành công hợp đồng thuê nhà. Thời điểm đi thuê nhà trạm là một công việc khó, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và cũng mất rất nhiều thời gian công sức của anh em, nên mỗi lần ký được cái Hợp đồng thuê nhà trạm, cảm giác lúc đó của anh em vui lắm, không thể nào tả được. Anh em ăn mừng với nhau bằng những bịch cóc, ổi mua về khao cả Trung tâm (cười).

Bức ảnh "Chúng tôi tự hào là những người đầu tiên" được Anh lưu giữ làm kỷ niệm với một tình cảm đầy trân trọng và tự hào

Khi hỏi về những kỷ niệm vui, buồn trong khoảng thời gian đi thuê nhà trạm, Anh vẫn nhớ hoài cái ngày đi thuê trạm HCM99, vừa tiếp xúc chủ nhà là thấy có vẻ khả năng thất bại rất cao vì chủ nhà đã lớn tuổi và rất khó chịu; trước đó Anh em đã đi khảo sát rất kỹ, xác định đây là một vị trí rất thích hợp để đặt trạm. Do đó, trước khi đến gặp chủ nhà, anh em đã chuẩn bị một “kịch bản” tìm cách nói lách, nói khéo làm sao để chủ nhà tin là “cột BTS chỉ giống như cái bồn nước”, thay vì cứ giải thích là thiết bị cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu... sẽ làm chủ nhà sợ, không đồng ý cho thuê thì bao công sức những ngày qua sẽ “đổ sông đổ bể”. Và đúng như “kịch bản ứng phó” đã lên sẵn, anh em đã thuyết phục chủ nhà đồng ý cho thuê đặt trạm một cách nhanh chóng ngoài sự mong đợi. Đó cũng là một kinh nghiệm để anh em biết cách xử lý, thuyết phục khéo léo hơn trong việc tiếp xúc nhà dân xin thuê trạm. Cũng có lần anh em bị rơi vào tình huống dở khóc dở cười trong một lần đi thuê trạm trên đường Võ Thị Sáu, Quận 1. Đây là vị trí rất khó để tìm như yêu cầu đặt ra, nên anh em cũng chật vật hết bao nhiêu ngày khảo sát mới tìm ra được một vị trí thích hợp để thuê đặt trạm. Vui lắm! Mặc dù chiều hôm đó trời bỗng đổ mưa lớn kèm theo sấm chớp, Anh em vẫn đèo nhau bằng xe máy cấp tốc chạy xuống địa chỉ đó nhưng ở đây lại là một quán Karaoke, và bà chủ quán Karaoke cũng chỉ là người thuê lại nhà đó để kinh doanh. Đã mất công đi nhưng lại thất bại, anh em còn bị tưởng là khách “làng chơi”, vừa đến đã có một cậu nhân viên cầm dù chạy ra mời vào trong và được bà chủ quán đón tiếp đon đả để xem anh em có nhu cầu “phục vụ” gì …. Mỗi lần nhắc lại kỷ niệm lần đó, anh em không nhịn được cười! (cười lớn)

Anh không thể nào quên được cái khí thế, tinh thần làm việc của anh em trong những ngày chuẩn bị khai trương Dự án di động pha 1 với 93 trạm đầu tiên tại khu vực TP. HCM. Đó là thời điểm triển khai lắp đặt thiết bị BTS tại Tổng trạm Phú Lâm ở Quận 6, nhà thì đã xây xong rồi còn ngổn ngang đầy bùn lầy, đất cát ở sân nền. Thiết bị lắp đặt không thể vận chuyển vào bên trong bằng xe ô tô nên chỉ đậu được sát bờ rào và thuê 1 xe cẩu để thò qua hàng rào, cẩu từng thùng thiết bị vào gần lan can lầu 1. Lúc đó không còn phân biệt là chỉ huy hay nhân viên, anh em huy động toàn bộ lực lượng kéo hàng từ lan can lên lầu 2 bằng dây thừng và làm suốt cả đêm không nghỉ, trong đó thùng thiết bị nhẹ nhất cũng khoảng 200kg.

Đại tá Đặng Trần Hùng là một trong những người chỉ huy gương mẫu về đạo đức, lối sống, tác phong… để CBCNV học tập

Giờ nghĩ lại Anh thấy rất thương và cảm phục tinh thần làm việc của anh em ngày đó vô cùng! Có lẽ thành quả lớn nhất trong giai đoạn này là niềm tin, lòng nhiệt huyết và quyết tâm của mọi CBCNV cho một mạng di động của chính mình, do tự mình tạo dựng lên. Bản thân Anh là một trong những người đầu tiên trực tiếp tham gia đặt nền móng cho mạng Di động tại khu vực phía Nam nên Anh xem đó là những ngày tháng tự hào nhất, vinh quang nhất trong suốt khoảng thời gian cống hiến cho Viettel với tinh thần người lính trên mặt trận SXKD trong thời bình.

Anh cho tôi xem bức ảnh "Chúng tôi tự hào là những người đầu tiên" chụp ngày 26/4/2003 là đánh dấu mốc thời điểm bắt đầu đi thuê 93 trạm đầu tiên. Năm đó, bức ảnh này được in trên giấy thường A0 bằng máy in do anh em tự thiết kế và treo ngay Văn phòng làm việc tại 21 Đống Đa. Trong 1 chuyến công tác tại phía Nam, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – lúc đó là Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội đánh giá rất cao về ý nghĩa của tấm hình đó, và sau này đã rất nhiều tỉnh cũng chụp cho tỉnh mình giống như vậy. Sau gần 20 năm, những người trong bức hình hiện đang còn công tác tại Viettel đều có 1 tấm photo lưu giữ làm kỷ niệm với một tình cảm đầy trân trọng và tự hào.

Nhắc đến tên anh Đặng Trần Hùng, chắc CBCNV Viettel khu vực phía Nam ít không ai không biết đến Anh. Anh là người anh cả - cả về tuổi đời, tuổi quân và những cống hiến, đóng góp to lớn cho Viettel qua các thời kỳ phát triển; là một trong những người chỉ huy gương mẫu về đạo đức, lối sống, tác phong… để CBCNV học tập. Anh đã có hơn 40 năm gắn bó với cuộc đời binh nghiệp, sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Trong 40 năm đó, Anh đã có gần 22 năm cống hiến, đóng góp cho Tập đoàn trên nhiều cương vị khác nhau: Phụ trách Trung tâm Điện thoại Di động phía Nam, Giám đốc Trung tâm Điều hành Kỹ thuật, PGĐ Trung tâm Kỹ thuật KV3, PGĐ Nội chính Chi nhánh Viettel Hồ Chí Minh, Trưởng Đại diện Miền Nam - Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị thông minh; Phó Giám đốc - Bí thư Đảng ủy Viettel TP. HCM… Dù ở cương vị nào Anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là sự tự hào của những người đi trước, từ lúc Viettel mới bước chân vào thị trường viễn thông Việt Nam, bắt đầu triển khai thử nghiệm dịch vụ VoIP 178 với nhân lực, vật lực còn rất nhỏ bé, chỉ có gần 200 CBCNV; và Anh cũng là 1 trong những người xây những viên gạch đầu tiên trong chặng đường 16 năm mở mạng di động.

Đại tá Đặng Trần Hùng vừa nhận Quyết định nghỉ hưu vào đầu tháng 5/2020

Với sự nỗ lực phấn đấu, sự cống hiến về trí tuệ, về sức lực cho sự nghiệp phát triển của Viettel, giờ đây Anh đã nhận quyết định nghỉ chờ hưu. Biết rằng hội ngộ rồi chia tay, đó là quy luật của tự nhiên và tất yếu, dù biết ai cũng sẽ đến lúc về nghỉ ngơi cùng gia đình người thân; vẫn biết đây là cuộc chia tay đã hẹn trước trong cuộc đời công tác mà ai cũng phải đi đến, nhưng sao chúng tôi vẫn không khỏi xúc động, bùi ngùi; đặc biệt là phải chia tay một người Anh cả luôn mẫu mực về lối sống giản dị, liêm trực, luôn bản lĩnh và tâm huyết với công việc; một đồng chí Bí thư luôn điềm đạm, hiền hòa và được CBCNV yêu quý, kính trọng. Khi trở về với cuộc sống đời thường, mong rằng Anh luôn có thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc bên gia đình và tiếp tục phát huy tinh thần, truyền thống của người lính, văn hóa Viettel để có những cống hiến mới, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.

411 | 0 Bình luận | 6 Thích