Gửi ý
kiến BQT
Gửi tin
Nhịp sống

Hành trình 20 năm: Tự hào được góp sức cùng “Gã nhà quê làm thương hiệu”

Đào Thị Hoa Mai đã đăng lúc 22:30 - 09.09.2020

Trót mê Viettel ngay từ lần đầu đọc bài “Gã nhà quê làm thương hiệu” trên tạp chí Tia sáng của Bộ Khoa học - Công nghệ, anh Hồ Công Bình quyết định “nhảy việc” từ một tổ chức phi chính phủ vào làm nhân viên Viettel. Đã 15 năm, kể từ ngày đó, Viettel không chỉ cho anh những trải nghiệm cuộc sống mà còn là niềm tự hào vì được chung tay, góp sức!

Những ngày đầu tiên ở Viettel

“15 năm trước, Viettel Quảng Trị ngày đó đang còn tên gọi là POP Quảng Trị. Cửa hàng Viettel đóng tại 23 Hùng Vương, thị xã Đông Hà. Bảng hiệu logo trang trí nổi bật nhất trên cung đường trung tâm của thị xã. Mỗi lần đi ngang đó là một lần tôi lại nhìn vào cửa hàng và mơ ước có ngày mình được vào làm việc”, anh Hồ Công Bình ngược kí ức thời gian, mở đầu câu chuyện.

Bị cuốn hút ngay từ tấm logo bảng hiệu, rồi niềm mơ ước lớn dần lên khi anh Bình bắt gặp bài báo Gã nhà quê làm thương hiệu” và “Cách tính cước block 6s + 1” trên tạp chí Tia sáng của Bộ Khoa học - Công nghệ. Một ngày giữa mùa hè năm 2005, anh quyết định “rẽ ngang” con đường đang đi để vào nộp hồ sơ xin việc ở POP Quảng Trị. Anh Bình kể lại: “Hôm tôi đến nộp hồ sơ, thêm một lần bất ngờ bởi khác với rất nhiều hình dung của tôi trước đó. Tiếp tôi không phải là một ông tổ chức nhân sự đeo mục kỉnh… đảo ánh mắt dò xét người xin việc từ trên xuống dưới mà là một cô giao dịch viên trẻ với nụ cười thân thiện”.

Hồ sơ được gửi đi. Sau thời gian chờ đợi, tham gia phỏng vấn đến 2 lần, tháng 12-2005, anh mới được chính thức nhận vào làm việc tại POP Quảng Trị với chức danh Nhân viên Ban cước. POP Quảng Trị ngày đó đang phải đi thuê. Tầng 1 – nơi đẹp nhất của căn nhà 3 tầng được dành cho cửa hàng giao dịch, kế toán tầng 2, tổng đài tầng 3, còn Ban cước với 3 nhân sự mới chân ướt chân ráo tuyển dụng vào được bố trí một vị trí khá khiêm tốn... nằm ngay dưới chân cầu thang tầng 1. Cơ sở vật chất của Ban vỏn vẹn một chiếc bàn làm việc và một… chiếc máy tính. Để thuận tiện cho công việc qua máy tính, mọi người chia nhau làm việc theo giờ!

Anh Bình nhớ lại, Pop Quảng Trị hồi đó có nhiều mảng, có mảng chuyên đi mở mạng, mở trạm, làm di động, còn bộ phận anh là thu cước khách hàng. Cùng một Pop nhưng công việc của mọi người độc lập với nhau, thuộc các công ty dọc khác nhau nên việc nhận lương, trang bị thiết bị, văn phòng phẩm… cũng khác nhau. Mảng di động thuộc công ty di động đang “hot” nhất, lương được nhận sớm nhất, còn Ban cước thuộc công ty cước thì chậm hơn, văn phòng phẩm cũng ít hơn. Mọi việc ban đầu đều mới mẻ và thiếu thốn. Thế nhưng Viettel cứ như có một sức hấp dẫn diệu kỳ, những người Viettel trẻ tuổi ngày ấy như anh Bình vẫn luôn say mê công việc.

 Công việc ỏ Viettel nhiều áp lực nhưng anh Hồ Công Bình, một trong những người Viettel thời kỳ đầu vẫn luôn bền bỉ và gắn bó

Nhiệm vụ chính hồi đó của Ban cước là thu cước, số lượng nhân viên thu cước đếm trên đầu ngón tay, mỗi huyện chỉ có một đến hai người, có người thì ôm luôn địa bàn 2 huyện. Cứ đầu tháng, xe của Công ty cước ở Đà Nẵng chở thông báo cước ra, nhân viên thu cước toàn tỉnh lại tập trung… quanh cái cầu thang để nhận thông báo cước, hóa đơn và bắt đầu công việc thu cước của mình. Điện thoại di động chưa phổ biến, mọi người gọi khách hàng bằng cái máy điện thoại cố định để hẹn ngày đến thu cước. “Địa bàn rộng, nhiều lúc nhìn địa chỉ thanh toán cước cứ thấy lơ mơ, chưa hình dung được khách hàng đang ở khu vực nào. Nhân viên thu cước phải chạy xa đến 40, 50km, băng qua cả cánh rừng để thu một đầu cước cũng không phải hiếm hoi”, anh Bình nói.

Thu được tiền, nhân viên nộp vào ngân hàng và tiếp tục công đoạn ghi chép bảng kê, fax vào Đà Nẵng để gạch nợ, tất cả mọi thứ đều thủ công, cẩn thận và tỉ mỉ. Hơn một năm sau đó, mỗi nhân viên thu cước được phát một chiếc máy di động hiệu alcatel và một sim nghiệp vụ gạch nợ, đó là cả một bước tiến lớn, công đoạn fax bảng kê vào Đà Nẵng để gạch nợ kết thúc, nhưng bảng kê chi tiết thì vẫn phải mất thời gian để ghi chép.

Anh Bình bảo, những tháng năm làm ở POP Quảng Trị, mỗi lần có cuộc họp toàn cơ quan là ai cũng vui như tết vì lại có dịp gặp, trò chuyện và chia sẻ cùng nhau. Câu chuyện góp vui từ miền xuôi lên miền ngược của anh em POP vẫn luôn xoay quanh từ Viettel, văn hóa và khát vọng của Viettel trên quê nghèo xứ khó.

Hành trình 10 năm làm Giám đốc huyện

Thời gian qua đi, lượng khách hàng ngày một tăng lên, số lượng nhân viên thu cước nhiều hơn, văn phòng Pop Quảng Trị được chuyển sang một khu nhà rộng rãi hơn ở đường Nguyễn Trãi. Anh Bình cũng đã trải qua nhiều vị trí, từ Trưởng phòng quản lý thu cước rồi đến Trưởng phòng thu cước và CSKH. Năm 2009, chi nhánh cử những nhân sự tốt nhất để về huyện phụ trách kinh doanh, anh Bình nhận nhiệm vụ làm giám đốc Viettel huyện Vĩnh Linh. Nhưng hoàn thành “nghĩa vụ”, anh không về lại chi nhánh như dự tính ban đầu. Đi là đi suốt 10 năm, từ Vĩnh Linh ngược lên huyện miền núi Đakrông rồi về thị xã Quảng Trị đến thành phố Đông Hà, và bây giờ là huyện Gio Linh.

Chân dung anh Hồ Công Bình với hành trình 10 năm làm Giám đốc Viettel huyện - Tự hào được góp sức cùng “Gã nhà quê làm thương hiệu”

Anh Bình chia sẻ, việc phụ trách phòng ban chi nhánh khác hơn nhiều so với việc làm quản lý tại huyện. Mọi việc ở huyện, từ việc kinh doanh đến công tác kỹ thuật, cửa hàng, nhà trạm, ngay cả khiếu nại khách hàng... đều đến tay Giám đốc huyện. Thời kỳ 2015-2017 là giai đoạn hết sức khó khăn khi doanh thu liên tục sụt giảm, nhiều đồng nghiệp sát cánh cùng anh thời kỳ đầu tiên rời bỏ vị trí, thế nhưng anh và những đồng nghiệp khác vẫn kiên trì, bền bỉ với công việc của mình. “Hành trình đi đến thành quả nào lại không trải qua gian nan, vất vả. Trạm được xây dựng lên, thuê bao phát triển thêm. Những dịch vụ  mới ra đời cũng tăng thêm lượng khách hàng. Từ dịch vụ 2G chỉ nghe gọi, nhắn tin, thế hệ 3G ra đời, khách hàng có nhu cầu truy cập data, điện thoại thấy hình nhiều hơn. Những chiếc Dcom ra đời, thay thế cho thiết bị Edge trường học… Giờ đang là dịch vụ 4G, hướng đến 5G. Mỗi giai đoạn phát triển đều ghi dấu một kỉ niệm vui buồn nhưng tựu trung lại chỉ có sự bền bỉ mới có thể chạm đến thành công”, anh Bình bộc bạch.

Tròn 15 năm gắn bó, anh Bình nói: “Làm việc ở Viettel đương nhiên vẫn có nhiều áp lực. Đặc biệt, mỗi lần thay đổi mô hình là một lần trăn trở, ai cũng phải dấn thân, lăn xả vào mà học. Nhưng đổi lại, Viettel cho mình nhiều thứ, giúp mình rèn luyện sự nhẫn nại, chịu khó, tự chịu trách nhiệm và sự tự tin trong công việc. Môi trường kinh doanh đầy mới mẻ và dấn thân này cũng cho mình nhiều trải nghiệm về cuộc sống. Hạnh phúc nhất là mỗi lễ, tết, gia đình ba mẹ đôi bên đều được Tập đoàn quan tâm- điều đó ít môi trường làm việc nào có được. Nếu được chọn lại, mình vẫn chọn Viettel để làm việc và gắn bó như một sự chọn lựa của đời người”.

1466 | 120 Bình luận | 162 Thích