Nhìn lại 2024: Những con số "biết nói" về Viettel
Huỳnh Nam đã đăng lúc 17:40 - 07.01.2025
Mỗi con số ấn tượng năm 2024 là minh chứng cho tầm nhìn đúng đắn và sự đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo của CBNV ở tất cả các lĩnh vực, qua đó khẳng định vị thế, tầm vóc ngày càng lớn mạnh của Viettel.
Năm 2024, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn là 190,4 nghìn tỷ đồng, đạt 103% so với kế hoạch và tăng 10,3% so với năm 2023. Như vậy, sau 7 năm, Viettel đã đạt mức tăng trưởng 2 con số, cao hơn so với mức tăng trưởng GDP của đất nước và tiếp tục là doanh nghiệp có mức tăng cao nhất trong ngành. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn là 51,6 nghìn tỷ đồng, đạt 111,6% so với kế hoạch và tăng 11,3% so với năm 2023. Tất cả các chỉ tiêu SXKD đều hoàn thành, vượt kế hoạch và bám sát mục tiêu chiến lược của Viettel trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo thông tin được công bố trên báo chí, tổng doanh thu toàn Tập đoàn VNPT năm 2024 đạt 58,5 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VNPT đạt hơn 6 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MobiFone đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn đóng góp vào ngân sách Nhà nước 42,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2023. Với những kết quả này, Viettel tiếp tục giữ vững vị thế là tập đoàn kinh tế tiên phong, chủ lực của Việt Nam và là một trong những doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả nhất.
Tại Hội nghị làm việc với doanh nghiệp Nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế vào tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh mong muốn “mỗi bộ, ngành có một Viettel, mỗi tỉnh, thành có một Becamex” để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc tiêu dùng di động tăng trưởng dương 1,5% sau 2 năm suy giảm là yếu tố then chốt giúp doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước đạt kết quả vượt kế hoạch, tăng 3,7% so với năm 2023. Cả thuê bao di động và cố định của Viettel tại Việt Nam đều tăng cao so với kế hoạch đặt ra. Thị phần di động tiếp tục tăng và giữ vững vị thế số 1 với hơn 57%.
Theo đánh giá của Phó TGĐ Tập đoàn Đỗ Minh Phương, năm 2024, doanh thu dịch vụ di động và cố định băng rộng của Viettel tăng trưởng tốt là kết quả của quá trình đầu tư dài hạn cũng như cách làm mới, cạnh tranh bằng giá trị đem lại cho khách hàng thay vì cạnh tranh bằng giá vốn đã không còn hiệu quả. Viettel đã đầu tư hạ tầng với công nghệ hiện đại để có chất lượng dịch vụ vượt trội, chi phí vận hành phù hợp, tạo điều kiện tăng trưởng doanh thu. Từ năm 2021, Viettel đã chủ động tắt dần công nghệ 3G để tối ưu tài nguyên và năm 2024 đã đẩy mạnh và nhanh quá trình chuyển dịch gần 10 triệu khách hàng từ 2G lên 4G. Song song với đó, Viettel thực hiện bóc tách các tệp khách hàng có nhu cầu tiêu dùng khác nhau, thiết kế ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, loại bỏ các sản phẩm dịch vụ lỗi thời.
Kết quả năm 2024 cho thấy lấy khách hàng làm trọng tâm, đi vào thực chất thì sẽ đạt được tăng trưởng, đó là bài học về kinh doanh bền vững.
Khối viễn thông nước ngoài hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 và duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu dịch vụ vượt kế hoạch, tăng trưởng 17,3% và đóng góp tới 80% vào tăng trưởng chung của toàn Tập đoàn. Sau sự bứt phá của Movitel, Viettel đã dẫn đầu về thị phần tại 7 quốc gia là Campuchia, Lào, Đông Timor, Burundi, Myanmar, Haiti và Mozambique.
Kết quả của các thị trường nước ngoài đã được Bộ trưởng Phan Văn Giang biểu dương trước toàn quân tại Hội nghị Quân chính của Bộ Quốc phòng năm 2024. Năm 2024, các công ty thị trường của Viettel vinh dự được đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng thăm và làm việc, qua đó thấu hiểu được nỗ lực của CBNV và càng thêm tin tưởng vào hoạt động đầu tư quốc tế của Viettel.
Ví điện tử được coi là sản phẩm đột phá từ doanh thu dịch vụ ngoài viễn thông của Viettel ở nước ngoài. Với 4,4 triệu thuê bao tăng thêm vào năm 2024, tổng số thuê bao ví của Viettel ở các thị trường quốc tế đã lên tới 20,3 triệu thuê bao. Tại Mozambique, Movitel đã vươn lên dẫn đầu cả về thị phần thuê bao di động và thuê bao ví điện tử. Rộng hơn ở khu vực châu Phi, doanh thu từ ví điện tử đã đóng góp 20% doanh thu tăng thêm trong năm vừa qua.
Trong giai đoạn 5 năm tới, dịch vụ ví điện tử sẽ tiếp tục là một trong những nguồn tăng trưởng chính của các công ty thị trường ở châu Phi và Haiti.
Dòng tiền chuyển về Việt Nam năm vừa qua tăng 19% so với năm 2023. Thông qua việc tái cơ cấu vốn linh hoạt, tỷ lệ hoàn vốn của Viettel ở các thị trường nước ngoài đã đạt 85%, vượt mục tiêu thách thức đề ra. Lumitel đạt 140% kế hoạch dòng tiền chuyển về nước. Năm 2024, Natcom và Movitel đã hoàn vốn 100%, lũy kế có 5 thị trường hoàn vốn là Campuchia, Lào, Đông Timor, Haiti và Mozambique. VTG cũng thuộc top 10 công ty giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Năm 2025, Viettel sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài, đưa tỷ lệ hoàn vốn lên 91%.
Viettel là doanh nghiệp tiên phong trong tất cả các cột mốc triển khai 5G tại Việt Nam. Tháng 10/2024, Viettel khai trương dịch vụ 5G trên toàn quốc và thuộc top 5% nhà mạng hiện đại nhất thế giới với cả 2 nền tảng kiến trúc 5G SA và NSA. Mạng 5G của Viettel hiện có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 95% thủ phủ của 63 tỉnh/Tp chỉ sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz. Sau gần 3 tháng, Viettel đã có 4,5 triệu thuê bao 5G. Năm 2025, Viettel sẽ đầu tư mở rộng mạng lưới 5G lên 18.000 trạm, đạt vùng phủ khoảng 30% so với tổng quy mô toàn mạng, tỷ lệ tương đương với các nước phát triển về 5G.
Ngay sau khi ra mắt tại Việt Nam, Viettel tiếp tục khai trương thương mại 5G tại các thị trường nước ngoài, khởi đầu tại Peru với 1.000 trạm BTS, sau đó là Lào cùng vào tháng 11/2024. Tại Burundi, Lumitel là nhà mạng duy nhất được cấp phép miễn phí tần số 5G, giúp tiết kiệm hơn 1 triệu USD. Dự kiến năm 2025, Viettel sẽ mở rộng triển khai 5G tại Campuchia, Đông Timor, Burundi và các thị trường còn lại khi có đủ tần số.
Doanh thu của Viettel từ lĩnh vực giải pháp CNTT giữ đà tăng trưởng tốt, 38%. Năm 2024, Viettel ký nhiều hợp đồng lớn với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Phước,…
Trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Viettel tiếp tục khẳng định uy tín và thương hiệu khi là nòng cốt chuyển đổi số cho Bộ Quốc phòng và được Chính phủ, cơ quan Trung ương tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tiêu biểu như nghiên cứu xây dựng đồng bộ hạ tầng, nền tảng, cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu xây dựng Quốc hội số hay triển khai nhiều dự án chuyển đổi số cho các cơ quan Ban, Đảng. Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng là thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Quốc hội.
Tháng 11/2024, Viettel đã công bố thương mại hóa diện rộng trạm 5G Massive MIMO 32T32R “Make in Vietnam” theo chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset do Viettel và Qualcomm đồng nghiên cứu, phát triển.
Sau cột mốc đặc biệt này, Viettel đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất trạm 500 trạm 5G Open RAN 32T32R để đưa vào vận hành trên mạng lưới tại Việt Nam vào năm 2025 và mở rộng ra quốc tế. Sản phẩm 5G của Viettel có khả năng tích hợp chéo với các phần tử mạng của các nhà cung cấp khác nhau, mở ra cơ hội tiết kiệm tới 20% năng lượng tiêu thụ trên mỗi cell của trạm phát sóng, giúp giảm giá thành và phá vỡ thế độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị viễn thông truyền thống.
Năm 2023, Viettel đã xuất khẩu thành công hệ thống Private 5G tại Ấn Độ. Tháng 6/2024, Viettel tiếp tục có hợp đồng 5G thương mại thứ 2 với UTL Group tại thị trường tỷ dân. Tháng 12/2024, tại triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, Viettel có thêm hợp đồng trị giá hơn 1 triệu USD cung cấp hệ thống 5G cho thị trường Trung Đông. Các hợp đồng quốc tế này khẳng định sức cạnh tranh của sản phẩm Viettel, đồng thời mở ra kênh tiếp cận với các nhóm khách hàng tại nhiều quốc gia.
Viettel luôn duy trì nhiều chương trình an sinh xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trên phạm vi cả nước. Tổng kinh phí tài trợ của Viettel năm 2024 là hơn 530 tỷ đồng, tập trung trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo, khắc phục thiên tai,…qua đó khẳng định triết lý “Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội” mà Viettel đã theo đuổi suốt nhiều năm qua. Trong đó, Viettel đã hỗ trợ 100 tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi, tài trợ 240 tỷ đồng cho 4.000 hộ nghèo theo chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột của Chính phủ và Bộ Quốc phòng.
-
Những con số ‘biết nói’ về Viettel năm 2024
0 | 0 Bình luận | 0 Thích
-
Viettel ra mắt lịch ưu đãi Tết 2025: Quà tới xuyên Tết
26 | 0 Bình luận | 0 Thích
-
Nhìn lại 2024: Những con số "biết nói" về Viettel
196 | 0 Bình luận | 0 Thích
-
Chúc mừng 15 tập thể lao động xuất sắc được nhận Bằng khen trong...
2343 | 1 Bình luận | 11 Thích
-
TCT hướng dẫn tổ chức Gala gặp mặt cuối năm, chào Xuân Ất Tỵ 2025
1708 | 0 Bình luận | 7 Thích
-
Chúc mừng 6 Viettel tỉnh/TP đạt cờ thi đua cấp Tập đoàn trong...
1523 | 1 Bình luận | 10 Thích
-
Chi tiết 6 kỳ nghỉ lễ của người Viettel trong năm 2025
1420 | 2 Bình luận | 3 Thích
-
Happy time ngày 06/01/2025 - Viettel Thừa Thiên Huế tưng bừng...
1145 | 15 Bình luận | 32 Thích