Hé lộ hậu trường quay clip Táo Quân và 101 điều mới lạ
Trần Văn Thịnh đã đăng lúc 11:12 - 10.02.2021
Đi quay phim quảng cáo, clip lớn nhỏ chắc mình phải đi tầm 100 lần, nhưng quay Táo Quân Tiền Truyện 2021 là một trải nghiệm vô cùng mới mẻ, không giống bất cứ lần nào trước đây.
Đầu tiên là kịch bản, lúc nhận cái kịch bản dài 15 trang A4 chữ cỡ 12 chi chít chữ mà còn 3 ngày nữa là quay, cả team tí ngất. Ngất xong thì tỉnh dậy lại ngất tiếp vì sau khi gửi lại nhận xét yêu cầu sửa đổi từ phía nhãn hàng thì anh Xoay với vai trò biên kịch (GS Cù Trọng Xoay) gửi lại 1 kịch bản khác hoàn toàn với hôm trước. Và phải đau khổ dành cả buổi sáng để đọc đi đọc lại từ đầu và chốt xem là nên chọn cái nào, sửa đổi tiếp ra sao. Nhất là với người không quen đọc kịch bản sân khấu, đọc tầm 4-5 trang là mình đã thấy quên mất đoạn trước nói gì, thế mới thấy phục người duyệt kịch bản Táo Quân đêm 30 thường là tầm 100 trang, gấp 5 lần.
Sau một hồi sửa cắt các loại, tính ghép kịch bản 1 với kịch bản 2 thì Viettel chọn phương án 2 - cuộc đối đầu giữa truyền thống và hiện đại để làm nổi bật gói cước Combo kết hợp cả hai. Chủ yếu là kịch bản này rất phù hợp với cặp diễn viên sinh đôi Vlog 1977, và cũng vì đây là ý tưởng tha thiết từ thành viên nhỏ tuổi nhất trong team sinh năm 1997 và cũng là người phụ trách chiến dịch lần này. Vì đối với người trẻ, việc sáng tạo theo trend mà vẫn duy trì gìn giữ truyền thống văn hoá dân tộc là một nguyện vọng mà ai cũng muốn thực hiện.
Rất may là biên kịch là anh Cù Trọng Xoay, vốn có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở FPT nên các vấn đề về viễn thông thì không cần giải thích nhiều, anh tạo nên một kịch bản liền mạch và đưa được rất nhiều điểm nhấn của Viettel vào trong câu chuyện. Thậm chí, nhiều lúc team Viettel còn phải xin là thôi, bỏ bớt chi tiết Viettel ra cho đỡ quảng cáo nhiều quá. Anh Xoay cũng là người chắp bút cho kịch bản Táo Quân VTV nhiều năm, thế nên, nhiều người khi xem clip còn cứ tưởng là VTV tặng thêm cho khán giả một sản phẩm trước đêm 30 thật, còn Viettel là tài trợ thôi, chứ không nghĩ là Viettel tự đặt hàng, tự làm.
Ngoài ra, các từ khoá trong clip rất quen thuộc với nhiều người Viettel như “ting ting nhận lương” hay “KPI báo cáo email” v.v. có lẽ cũng là những điểm chung giữa anh em Viettel và FPT.
Sau đó là việc tập - như tập kịch trên sân khấu. Bình thường các clip quảng cáo thì chỉ hẹn ngày quay rồi đến quay thử vài lần rồi quay thật. Nhưng đặc điểm của chương trình Táo Quân là kịch bản phụ thuộc rất lớn vào diễn viên. Sản phẩm cuối cùng tới cho khán giả chỉ có khung sườn kịch bản, còn lời thoại, miếng hài, bài hát đều là xuất phát từ lúc tập. Chỉ có 1 ngày để tập và ngày hôm sau là quay thật, khung thời gian rất hạn hẹp so với Táo quân VTV có tới gần 01 tháng tập và chuẩn bị.
Một điểm rất khác biệt là khả năng diễn và sáng tạo của đội diễn viên Táo quân rất mạnh, anh Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long và chị Vân Dung. Mỗi người đều có 1 thế mạnh riêng. Anh Xuân Bắc có khả năng kết nối và xử lí logic toàn bộ kịch bản để yêu cầu bổ sung hay cắt bỏ đoạn nào, cũng như chỉnh lại tính cách nhân vật xuyên suốt. Hoá ra, làm Táo Quân mới biết là mỗi nhân vật đều có 1 nét tính cách riêng đã được duy trì rất nhiều năm, ví dụ như chị Đẩu luôn luôn “thích" Thiên Lôi và năm này qua năm khác đều thích các Thiên Lôi trẻ đẹp trai.
Còn anh Tự Long thì khả năng ca hát các bài cải biên, đặc biệt là chèo, cải lương. Anh hiện tại đang là Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội và là Đại tá, cấp bậc cao nên lúc biết thì mình cũng thấy hơi rén, nói chuyện nghiêm túc như với sếp mình chứ không dám thoải mái như cũ.
Trong dàn Táo năm nay của Viettel cũng có tới 3 Giám đốc. Ngoài anh Tự Long, anh Xuân Bắc mới được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam còn anh Công Lý là Phó Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội. Thế nên lúc gọi điện điều hành công việc thì các anh rất nghiêm túc, nhưng lúc tập thì lại rất hài hước và bày ra nhiều trò nghịch ngợm.
Có một số người xem cho rằng, ngoài dàn Táo thì phần còn lại đều diễn không ổn, thậm chí còn không biết họ là ai hay không ủng hộ diễn viên miền Nam trong chương trình. Tuy nhiên, với đặc thù của một clip quảng cáo nhãn hàng thì mục tiêu lớn nhất là clip quảng cáo phải tới được cho khách hàng mục tiêu, mà ở đây là tập khách hàng trẻ, hoạt động tích cực trên mạng xã hội. Vì là clip quảng cáo nên sản phẩm sẽ không thể được phát hành trên kênh truyền hình rộng rãi như Táo Quân VTV mà chỉ có thể dựa vào nền tảng mạng xã hội để phát tán.
Chính vì vậy, dàn diễn viên còn lại đều được lựa chọn từ những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, thu hút nhiều fan hâm mộ trẻ tuổi - khách hàng mục tiêu cho chiến dịch truyền thông online lần này. Ví dụ như Quốc Anh từ kênh Welax chuyên sản xuất clip hài về đề tài người trẻ đi làm, hay Vlog 1977 nổi tiếng với kênh clip phim đen trắng xa xưa. Diệu Nhi, gương mặt miền Nam duy nhất được đưa vào với nét diễn tưng tửng, đi ngược hoàn toàn với dàn diễn viên còn lại, và đây là nét hấp dẫn giới trẻ của Diệu Nhi nhất là sau chương trình thực tế Sao Nhập Ngũ - top 2 chương trình nổi bật nhất trong năm 2020 theo WeChoice Awards.
Tuy nhiên, dàn diễn viên Youtuber này khi lên sân khấu diễn cùng các anh chị gạo cội thì đều bị khớp, vì đây không phải dạng clip quay đi quay lại mà hoàn toàn là diễn liền mạch, hầu như không cắt ghép, nên khả năng diễn xuất cần đòi hỏi kinh nghiệm kịch nghệ sân khấu rất tốt. May là các anh chị cũng rất nhiệt tình chỉ bảo cho đàn em, không hề cáu gắt. Có lẽ cũng vì rất khâm phục nhóm bạn này, dàn Táo còn kể là ở nhà, con anh nó xem clip của bọn em suốt. Ngược lại, các em trẻ cũng là người hỗ trợ các anh chị trong việc tiếp thu những điểm mới, ví dụ như hát rap.
Sự phối hợp giữa dàn Táo với 17 năm diễn trên sân khấu với nhóm Youtuber trẻ tuổi lần này cũng chính là yếu tố rất rõ nét phản ánh thông điệp giữ truyền thống kết hợp nét hiện đại trong clip quảng cáo lần này. Khoảng cách giữa thế hệ ở đây rất rõ nét, đến những lời thoại giải thích thiên đình số là gì trong kịch bản ban đầu đã bị loại bỏ (nội dung nói về khái niệm sensor) vì dàn Táo lớn tuổi tập mãi không nói được. Nhưng cho dù có sự khác biệt giữa các Táo với các bạn trẻ Youtuber, cuối cùng cả team vẫn phối hợp rất ăn ý để cho ra một sản phẩm được công chúng đón nhận.
Một kỉ niệm khó quên là lịch trình của các diễn viên rất dày đặc, nên một ưu thế của Viettel đã được sử dụng triệt để trong những ngày cuối năm đường đông và thường xuyên tắc đường. Do Vlog 1977 có trùng lịch tham gia lễ trao giải WeChoice tại HCM nên phải bay đi bay lại HNI - HCM hàng ngày và các Táo cũng xen lẫn những lịch trình khác nên team Viettel Media đã cử hẳn một xe ưu tiên để phục vụ đưa đón, đảm bảo thời gian cho diễn viên. Được đưa ra sân bay bằng xe biển đỏ hẳn là một kỉ niệm đáng nhớ với dàn diễn viên Táo quân năm nay.
Cả đoàn sản xuất chương trình đã có những khoảnh khắc vui vẻ bên nhau.
Đây là ảnh/clip hậu trường sản xuất, CBNV Viettel vui lòng không phát tán trên mạng xã hội, đảm bảo các điều khoản riêng tư của diễn viên.
-
PTGĐ Tập đoàn - TGĐ VTT Cao Anh Sơn trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị sự...
1284 | 0 Bình luận | 1 Thích
-
Những hình ảnh trước giờ G đại nhạc hội Viettel Y-Fest 2024
202 | 0 Bình luận | 1 Thích
-
Dự sự kiện Y-Fest 2024: Những nội quy cần biết
145 | 0 Bình luận | 1 Thích
-
PTGĐ Tập đoàn - TGĐ VTT Cao Anh Sơn trực tiếp kiểm tra công tác...
1284 | 0 Bình luận | 1 Thích
-
SIÊU HOT: Khách hàng Viettel có thể săn vé Y-Fest 2024 online
1121 | 0 Bình luận | 4 Thích
-
Viettel giới thiệu nhiều giải pháp chuyển đổi số đột phá tại...
821 | 0 Bình luận | 2 Thích
-
Gần 30 nhân sự kỹ thuật của Viettel học để chuyển sang kinh doanh
622 | 0 Bình luận | 1 Thích
-
Hé lộ sân khấu công nghệ đỉnh cao của đại nhạc hội Y-Fest 2024
616 | 0 Bình luận | 3 Thích