Gửi ý
kiến BQT
Gửi tin
Nhịp sống

Internet vệ tinh - Giải pháp tiềm năng để thu hẹp khoảng cách số tại Việt Nam

Nghe bài viết dạng audio

Phòng NCTT - TT Di Động đã đăng lúc 08:52 - 04.06.2024

Internet vệ tinh sẽ là lời giải cho bài toán phủ sóng Internet tại những khu vực có địa hình bị chia cắt như rừng, đồi núi, hải đảo và trên không. Và với những tiến triển mới nhất, chi phí ngày càng giảm, hy vọng việc phủ sóng bằng Internet vệ tinh sẽ sớm được đưa vào áp dụng để thu hẹp khoảng cách số tại Việt Nam.

Sự phát triển của công nghệ vệ tinh đã tạo ra bước đột phá trong nỗ lực cải thiện kết nối của nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Năm 1957, sự ra đời của vệ tinh nhân tạo Sputnik-1 do Liên Xô phát triển được coi là khởi đầu của lịch sử công nghệ vệ tinh, đặt nền tảng cho một kỷ nguyên mới về truyền thông và kết nối.

Năm 1962, Telstar-1 của Mỹ đã trở thành vệ tinh truyền thông hoạt động đầu tiên trên thế giới, cho phép truyền hình trực tiếp qua Đại Tây Dương, chứng minh khả năng của công nghệ vệ tinh vượt qua rào cản địa lý và kết nối mọi người trên toàn thế giới.

Gần đây nhất với sự ra đời của vệ tinh Tiantong của Trung Quốc năm 2016 cho phép điện thoại thông minh tương tác trực tiếp với vệ tinh, bỏ qua cơ sở hạ tầng trên mặt đất truyền thống là giải pháp mang tính đột phá giúp Trung Quốc cách mạng hóa cách người dân tiếp cận viễn thông.

Trước năm 1991 trên 90% vệ tinh được phóng thuộc về Chính phủ các quốc gia, mục đích chính là để phục vụ quan trắc và quân sự. Chỉ khi công nghệ LEO (Low Earth Orbit - vệ tinh quỹ đạo tầm thấp) ra đời thì vệ tinh thương mại mới bùng nổ với mục tiêu mang internet tốc độ cao đến mọi ngóc ngách trên thế giới, chứng minh vai trò của công nghệ vệ tinh trong việc thu hẹp khoảng cách số.

Đến nay đã có 93 nước sở hữu vệ tinh riêng, 13 nước đi thuê hoặc đồng sở hữu với khoảng 11 nghìn vệ tinh được các nước phóng thành công trong đó khoảng 6,7 nghìn vệ tinh còn đang hoạt động.

Vậy dịch vụ internet vệ tinh là gì?

Internet vệ tinh là phương thức truy cập internet thông qua các vệ tinh bay quanh Trái Đất, sử dụng sóng vô tuyến thay cho dây cáp. Nếu như trước đây tín hiệu vệ tinh được khuếch tán đến người dùng cuối thông qua trạm BTS của nhà mạng hoặc các trạm mặt đất của các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh, hoặc người dùng cuối sử dụng các thiết bị thu phát cá nhân bao gồm 1 Ăng ten thu tín hiệu và 1 bộ phát Wifi thì với công nghệ hiện nay người dùng cuối hoàn toàn có thể sử dụng internet vệ tinh từ chính smartphone của mình (tín hiệu vệ tinh sẽ truyền trực tiếp đến các thiết bị đầu cuối có hỗ trợ thu sóng vệ tinh).

Internet vệ tinh có lợi thế gì so với các giải pháp khác?

Khả năng phủ sóng rộng: Internet vệ tinh có thể cung cấp kết nối Internet cho những khu vực mà hạ tầng viễn thông truyền thống khó tiếp cận, chẳng hạn như những khu vực có địa hình hiểm trở, hẻo lánh, hoặc những khu vực có mật độ dân cư thấp.

Tốc độ truy cập cao: Internet vệ tinh có thể cung cấp tốc độ truy cập cao, đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng Internet của người dân, bao gồm học tập, làm việc, giải trí,...

Chi phí ngày càng hợp lý: Chi phí sử dụng Internet vệ tinh ngày càng giảm, phù hợp với túi tiền của nhiều người dân.

Trên thế giới dịch vụ internet vệ tinh đang phát triển ra sao?

Xu hướng gần đây các Bigtech thực hiện góp vốn để triển khai các siêu dự án về Internet vệ tinh như Alphabet đầu tư vào dự án StarLink của Space X; hay các nhà mạng như BT (Anh), Softbank (Nhật), Telstra (Úc) góp cổ phần triển khai dự án OneWeb để bổ sung dịch vụ internet vệ tinh trong danh mục các dịch vụ viễn thông của mình.

Nhà mạng T-Mobile hợp tác với Starlink để sử dụng vệ tinh như các trạm phát sóng không gian xuống mặt đất (Air to Ground). Dịch vụ hiện tại đã được thử nghiệm thành công với SMS và dự kiến sẽ tiếp tục triển khai cho thoại, data IOT vào năm 2025. Khách hàng sẽ không cần dùng thiết bị chuyên dụng mà có thể dùng dịch vụ vệ tinh trực tiếp trên bất kỳ điện thoại 4G, 5G nào.

Một số nhà mạng tại các nước có diện tích lớn, nhiều khu vực không phủ sóng viễn thông như Optus (Australia), Rogers (Canada), One NZ (New Zealand), KDDI (Japan), Salt (Switzerland) đã bắt đầu đàm phán hợp tác với Star Link cho các dự án tương tự.

Nhà mạng China mobile khởi động mở rộng quốc tế dịch vụ vệ tinh trực tiếp từ điện thoại (direct-to-device - D2D): dịch vụ đã ghi nhận 400.000 cuộc gọi mỗi tháng vào năm 2021, với tỷ lệ thành công trong cuộc gọi vượt quá 96% và dự báo kỳ vọng số lượng người dùng D2D ở Trung Quốc sẽ đạt 3 triệu vào năm 2025. Người dùng Trung Quốc giờ đây có thể quay số bất kỳ bằng vệ tinh Tiantong ở những khu vực không có vùng phủ sóng tín hiệu như sa mạc hoặc các đảo biệt lập, với khoản phí bổ sung là 1,38 USD mỗi tháng.

Theo báo cáo dự báo ngành và phân tích cơ hội toàn cầu (Global Opportunity Analysis and Industry Forecast, 2020 - 2030), quy mô thị trường Internet vệ tinh toàn cầu được định giá 2,93 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 18,59 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 20,4% từ năm 2021 - 2030.

Tại Việt Nam, mới chỉ có VNPT là đơn vị cung cấp dịch vụ internet vệ tinh khi sử dụng các trạm vệ tinh cỡ nhỏ VSAT (Very Small Aperture Terminal) và hệ thống thông tin vệ tinh băng rộng Vinasat để cung cấp các dịch vụ VSAT-IP. Với cước phí cao vì ngoài đăng ký gói cước, khách hàng cần mua thiết bị kết nối mạng, lắp bên ngoài căn nhà mới sử dụng được khiến khách hàng khó tiếp cận được dịch vụ.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã bổ sung một số quy định với dịch vụ viễn thông sử dụng vệ tinh trong luật viễn thông sửa đổi, để cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp nước ngoài cần phải hợp tác với doanh nghiệp trong nước và dữ liệu phải đi qua Gateway đặt tại Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn, an ninh, đồng thời là nền tảng để dịch vụ này phát triển trong tương lai. Chiếu theo quy định này, các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh xuyên biên giới như trường hợp của Starlink nếu muốn cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam sẽ phải thực hiện thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp trong nước.

Dịch vụ internet vệ tinh chưa phát triển tại Việt Nam do gặp phải 1 số thách thức

Vùng phủ internet (bao gồm cáp quang và 3G/4G/5G) đã lên tới 95% dân số, đưa Việt Nam tiệm cận mức phổ cập Internet cao nhất, tương đương với những quốc gia phát triển. Số lượng người chưa được kết nối Internet chủ yếu tập trung vào người có thu nhập thấp.

Các doanh nghiệp trong nước chưa đủ tiềm lực để đăng ký và tự triển khai chùm vệ tinh quỹ đạo thấp, nếu triến khai phải phụ thuộc tập đoàn nước ngoài.

Dù dịch vụ internet vệ tinh chưa thực sự phát triển tại Việt Nam nhưng có thể nói nhu cầu Internet trong lĩnh vực hàng hải và hàng không là rất cần thiết. Đây là những ngành kinh tế có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn gặp nhiều hạn chế về vấn đề thông tin, liên lạc. Bên cạnh đó, trong một số tình huống khẩn cấp xảy ra như bão lũ, và hạ tầng có vấn đề thì vai trò của internet vệ tinh là rất quan trọng. Do đó cơ hội kinh doanh Internet vệ tinh ở Việt Nam là rất tiềm năng.

Như vậy có thể khẳng định dịch vụ Internet vệ tinh sẽ là lời giải cho bài toán phủ sóng Internet tại những khu vực có địa hình bị chia cắt như rừng, đồi núi, hải đảo và trên không. Và với những tiến triển mới nhất, chi phí ngày càng giảm, hy vọng việc phủ sóng bằng Internet vệ tinh sẽ sớm được đưa vào áp dụng để thu hẹp khoảng cách số tại Việt Nam.

1011 | 0 Bình luận | 2 Thích