8 nội dung về nêu gương cán bộ, đảng viên trong Tập đoàn cần đặc biệt ghi nhớ
Nhip sống đã đăng lúc 18:01 - 14.07.2025
Nêu gương là một trong những nguyên tắc cơ bản, phương thức lãnh đạo quan trọng nhất của Đảng có sức lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ đối với nhân dân.
Nêu gương cũng chính là động lực thúc đẩy chuyển biến của tổ chức, là thước đo phẩm chất, uy tín của người cán bộ. Trong Tập đoàn, cần phải thống nhất nhận thức và hành động trong thực hiện “nêu gương” trong đội ngũ cán bộ quản lý của Tập đoàn, nhất là các đồng chí cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp.
Viettel Family xin gửi tới đồng chí phát biểu tham luận của Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn Dương Văn Toàn về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ trong Tập đoàn Viettel” tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của Tập đoàn. Theo Chủ nhiệm Chính trị, Viettel đang ngày một lớn hơn, lãnh nhận nhiều nhiệm vụ nặng nề và cũng trải qua những thay đổi, sắp xếp theo nhịp chung của đất nước. Bối cảnh đó nhấn mạnh vai trò của cán bộ chỉ huy cấp ủy, lãnh đạo chỉ hủy các cơ quan đơn vị, của người đứng đầu trong đó có trách nhiệm nêu gương.
Cũng tại Hội nghị sơ kết, Chủ tịch Tập đoàn đánh giá tham luận trên - trong đó có 8 nội dung về nêu gương - là rất quan trọng. Viettel có khoảng 2.000 đồng chí là cán bộ chủ trì, lãnh đạo hàng chục nghìn CBNV toàn cầu - đây chính là 2.000 tấm gương trong Viettel. Chủ tịch Tào Đức Thắng yêu cầu các đồng chí đứng đầu đơn vị, cán bộ quản lý các cấp cần tìm hiểu, nghiên cứu, thấm nhuận để thực sự trở thành tấm gương sáng.
Kính mời đồng chí theo dõi tham luận của Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn dưới đây.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, quy định của Đảng về nêu gương của người cán bộ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò làm gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Bác xem “người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng”.
Người căn dặn rằng “muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tư tưởng này thể hiện logic nhất quán: cán bộ lãnh đạo phải là người tiên phong, nói đi đôi với làm, dùng chính hành động và đạo đức của mình để thuyết phục, lôi cuốn quần chúng noi theo.
Bác Hồ từng khẳng định “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” - nghĩa là tấm gương thực tế của cán bộ có sức mạnh lan tỏa, cảm hóa lớn hơn bất kỳ lời nói suông nào.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nêu gương không chỉ đơn thuần là khẩu hiệu, mà bắt đầu từ việc mỗi cán bộ tự rèn luyện và làm gương trong mọi việc. Người nhấn mạnh: “Trước hết cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới”. Cán bộ ở cương vị càng cao càng phải càng gương mẫu, bởi “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Theo Bác, sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo có sức thuyết phục nhất khi thể hiện trong cả tư tưởng, đạo đức, phong cách công tác lẫn sinh hoạt hàng ngày. Người lãnh đạo nêu gương từ việc nhỏ đến việc lớn, từ trong công việc đến đời tư, giữ vững phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn “nói phải đi đôi với làm”. Chính tấm gương trong sáng, tận tụy của người cán bộ sẽ tạo ảnh hưởng mạnh mẽ, khiến cấp dưới và quần chúng “khâm phục, tán thành và noi theo”.
Về quan điểm, quy định của Đảng và Quân đội với trách nhiệm nêu gương, khái niệm nêu gương là việc cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, tự giác sống và làm việc mẫu mực trong tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong và trách nhiệm công tác; thể hiện bằng hành động cụ thể, nhất quán giữa lời nói và việc làm, nhằm truyền cảm hứng, dẫn dắt, tạo ảnh hưởng tích cực để cấp dưới và quần chúng noi theo.
Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng về “nêu gương”, BCH TW Đảng, QUTW đã ban hành các quy định quan trọng, tiêu biểu như:
- Quy định số 101 ngày 07/6/2012, của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
- Quy định số 55 ngày 19/12/2016, của Bộ Chính trị Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.
- Quy định số 646 ngày 06/11/2012, của Quân ủy Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp trong Quân đội.
- Nghị quyết số 847 ngày 18/12/2021, của Quân ủy Trung ương về "Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới".
8 nội dung về nêu gương của cán bộ, đảng viên
Các Quy định nêu trên tập trung xác định 8 nội dung cụ thể mà mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu.
Một là, Về tư tưởng chính trị
- Tuyệt đối trung thành đối với Đảng, Nhà nước, Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng; đi đầu trong đấu tranh với mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
- Gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.
Hai là, Về đạo đức, lối sống, tác phong
- Nghiêm túc thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm;
- Đi đầu chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí;
- Khiêm tốn, giản dị, sâu sát thực tế;
- Kính trọng, lễ phép trong quan hệ với nhân dân.
- Đối với gia đình phải mẫu mực, thủy chung; không để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi.
Ba là, Về tự phê bình và phê bình
- Phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa.
- Có tình đồng chí, đồng nghiệp, thương yêu lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu.
Bốn là, Về quan hệ với cấp dưới
- Luôn gần gũi, lắng nghe, giải quyết thỏa đáng nguyện vọng chính đáng của cấp dưới;
- Thương yêu giúp đỡ, có nghĩa, có tình; Quan tâm, chăm lo đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của cấp dưới;
- Kiên quyết chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch đối với cấp dưới; đồng hành, hỗ trợ cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ, nhất là những việc mới, việc khó.
Năm là, Về trách nhiệm trong công tác
- Nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tâm, tận tụy với công việc; lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ mới, các sáng kiến trong sản xuất kinh doanh.
- Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm, đã cam kết là phải thực hiện.
- Hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác.
- Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm".
Sáu là, Về ý thức tổ chức kỷ luật
- Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật trong cơ quan, đơn vị.
- Gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức; đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị.
Bảy là, Về đoàn kết nội bộ
- Hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ; công tâm với cấp dưới; hợp tác với đồng chí, đồng nghiệp để không ngừng tiến bộ.
- Chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và trong cuộc sống; bảo vệ uy tín, danh dự chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp; không tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác.
- Tích cực tham gia xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ.
Tám là, “Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”
Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương là yêu cầu, tiêu chí bắt buộc trong đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm.
Thực trạng và giải pháp nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp
Hiện nay, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có nhiều ưu điểm, nhiều đồng chí tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chấm chính tri, đạo đức, lối sống; tận tâm, tận tụy, trách nhiệm cao với công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; giản dị, khiêm tốn, quan tâm chăm lo cho CBNV, được cấp trên tin tưởng, cấp dưới tin yêu, đồng chí, đồng nghiệp, quý mến. Tuy nhiên bên cạch đó vẫn còn số ít đồng chí chưa thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, còn vi phạm kỷ luật; trách nhiệm trong công việc chưa cao; lối sống và ứng xử thiếu chuẩn mực.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò nêu gương của các đồng chí cán bộ chủ trì các cấp - những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, Nâng cao nhận thức về trách nhiệm nêu gương. Trước hết, là người đứng đầu, lãnh đạo chỉ huy từng cấp cần quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng, Quân đội về nêu gương. Từng đồng chí cần thấm nhuần những lời dạy của Bác về đạo đức người cán bộ, hiểu rằng nêu gương không phải là điều gì xa vời mà là yêu cầu gắn liền với chức trách hàng ngày.
Hai là, Xây dựng văn hóa nêu gương từng cơ quan, đơn vị. Nêu gương từ những việc nhỏ nhất, gắn với thực hiện văn hóa Viettel. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa việc nêu gương bằng những hành động thiết thực hàng ngày: Từ giờ giấc, tác phong làm việc, đến cách ứng xử với nhân viên, khách hàng, đối tác … tất cả đều phải mẫu mực. Người đứng đầu đi làm đúng giờ, chấp hành kỷ luật nghiêm; làm việc khoa học, nói đi đôi với làm; sống giản dị, gần gũi và quan tâm đến đời sống của anh em nhân viên. Chỉ khi “tự mình làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn” thì lời nói của người lãnh đạo mới có sức nặng. Thực hiện nghiêm yêu cầu “lãnh đạo làm gương trong thực hành văn hóa Viettel”. Mỗi đồng chí cán bộ chủ trì các cấp cần xây dựng hình ảnh người cán bộ tận tụy, nói ít làm nhiều, luôn vì lợi ích chung - để cấp dưới kính phục và noi theo.
Ba là, Mỗi đồng chí đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy từng tổ chức phải thực sự là hạt nhân “nêu gương”, tiêu biểu, gương mẫu về mọi mặt, dẫn dắt và thúc đẩy “nêu gương” trong toàn đơn vị. Thường xuyên gần gũi, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của CBNV, thăm hỏi, tạo điều kiện, hỗ trợ CBNV có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng đơn vị đoàn kết, trên dưới một lòng vì mục tiêu chung.
Bốn là, Lan tỏa văn hóa nêu gương trong toàn đơn vị. Biến nêu gương thành hành động tự giác, thường xuyên của cán bộ quản lý (từ đ/c phụ trách các đội nhóm, đến Trưởng phòng, Ban Giám đốc tỉnh, đến phòng/Trung tâm, BGĐ TCT, CT…). Lan tỏa văn hóa nêu gương đến mọi CB, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Tập đoàn. Không lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng nhận chức, lên chức hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác,... để ăn uống, "tiệc tùng", tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi; Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hoá mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Nghiêm cấm việc lợi dụng để “biếu xén”, đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, "chè chén" xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.
Năm là, Tăng cường cơ chế giám sát, ràng buộc trách nhiệm nêu gương. Mỗi cán bộ chỉ huy, nhất là người đứng đầu phải xây dựng bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện hàng năm, nêu rõ các tiêu chí phấn đấu về phẩm chất, lối sống, phong cách lãnh đạo… và báo cáo trước chi bộ, Đảng bộ cơ sở. Cuối năm, cấp ủy các cấp và ĐU Tập đoàn đánh giá mức độ nêu gương của từng cán bộ, coi đây là một căn cứ quan trọng để xếp loại, khen thưởng hay kỷ luật. Những trường hợp cán bộ chủ trì thiếu gương mẫu, để xảy ra sai phạm hoặc uy tín thấp cần kịp thời nhắc nhở, phê bình; nếu nghiêm trọng phải thay thế, xử lý, không vì thành tích mà bỏ qua khuyết điểm đạo đức. Ngược lại, những đồng chí thực sự gương mẫu, được cấp dưới và lãnh đạo địa phương quý mến, tin tưởng thì cần được biểu dương, đề bạt xứng đáng.
Trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ trong Tập đoàn, đặc biệt là người đứng đầu từng cấp, là yếu tố đặc biệt quan trọng để giữ vững và nâng cao uy tín, văn hóa của Tập đoàn. Noi theo lời Bác Hồ dạy và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, mỗi đồng chí cán bộ Viettel cần không ngừng tự rèn luyện, phấn đấu làm tấm gương sáng về phẩm chất và năng lực. Khi người đứng đầu gương mẫu, chắc chắn tập thể đơn vị sẽ đoàn kết, đồng lòng và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
-
TCT gửi cảnh báo CBNV cẩn trọng tình trạng giả mạo lực lượng chức năng...
99 | 0 Bình luận | 2 Thích -
Tổng đài 1800.8119 nhánh 5 - Nơi tiếp nhận cuộc gọi của CBNV khi phát hiện các...
360 | 0 Bình luận | 1 Thích -
The Money Verse trên TV360 - cuộc thi kiến thức tài chính dành cho giới trẻ bắt...
124 | 0 Bình luận | 1 Thích
-
VIETTEL CẦN THƠ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ ĐỊNH HƯỚNG LUỒNG VẬN HÀNH...
589 | 7 Bình luận | 19 Thích
-
Hộ kinh doanh 3 năm nay không có thuế thu nhập cá nhân
376 | 0 Bình luận | 0 Thích
-
Tổng đài 1800.8119 nhánh 5 - Nơi tiếp nhận cuộc gọi của CBNV khi...
360 | 0 Bình luận | 1 Thích
-
Viettel tiếp nối kỷ nguyên công nghệ tại Hội nghị Doanh nghiệp...
340 | 0 Bình luận | 3 Thích
-
Viettel Đà Nẵng sơ kết 6 tháng đầu năm 2025: Đồng sức đồng lòng...
314 | 0 Bình luận | 3 Thích