Viettel Telecom - Dấu ấn thời gian trong tôi
Viettel Hòa Bình đã đăng lúc 14:29 - 05.09.2024
#20namViettelKDdidong
Họ và Tên: Trần Huy Tuấn
Mã nhân viên: 065616
Đơn vị công tác: Viettel Hoà Bình
Reng ...reng…reng…với tay nhấc chiếc điện thoại lên nghe, tiếng Thượng tá Nguyễn Hữu Hà giám đốc chi nhánh kỹ thuật Viettel Tuyên Quang ở đầu dây bên kia nói khá to, khiến tôi phải đưa chiếc tai nghe ra xa:
- Huy Tuấn à! cậu lên ngay phòng tôi có việc nhé.
- Vâng, em lên ngay đây.
Gác vội chiếc máy điện thoại xuống bàn, tôi đi lên phòng sếp trưởng vừa đi vừa nghĩ, không biết có việc gì cần thiết mà mới đầu giờ sáng đồng chí đã cho gọi mình với giọng nghe có vẻ rất quan trọng làm tôi thấy bồn chồn. Mải suy luận tôi đã đứng trước cửa phòng từ lúc nào không hay, giơ tay gõ nhẹ cửa, tiếng đồng chí Hữu Hà trầm trầm vang lên:
- Cậu vào đi Huy Tuấn
- Có việc gì gấp mà anh cho gọi em lên sớm vậy?
- Thì cậu cứ ngồi xuống uống chén nước đã, chè Thái Nguyên đấy, nước xanh ngon phải biết cậu ạ.
Anh ngẩng đầu mời tôi mà giọng lại pha chút buồn buồn kèm theo ánh mắt nhìn tôi trông rất khác lạ, không hài hước giống như mọi ngày. Từ khi biết và làm việc cùng anh đến bây giờ, đây là lần đầu tiên tôi thấy anh như vậy.
Nói về Thượng tá Nguyễn Hữu Hà, tuy anh là Giám đốc Chi nhánh, còn tôi là cấp phó, phụ trách xây dựng hạ tầng mạng lưới chi nhánh kỹ thuật Tuyên Quang, nhưng ngoài công việc ra chúng tôi còn gắn bó với nhau như anh em ruột thịt. Đều là lính xa nhà nên trong những bữa ăn sáng hàng ngày anh ấy như người anh cả, lo nấu ăn cho hai anh em không thiếu bữa nào, tôi chỉ việc ngồi vào bàn cùng ăn là anh đã vui lắm rồi. Con người anh sống rất tình cảm, nhưng đối với công việc thì nghiêm khắc, minh bạch và rõ ràng vô cùng. Với tôi anh cũng giống như một người thầy giáo, luôn tạo mọi điều kiện và chỉ bảo tận tình cho tôi kể từ ngày tôi mới chân ướt, chân ráo về đây công tác. Trong tận sâu thẳm tấm lòng, tôi rất yêu quý và khâm phục tinh thần làm việc cùng với phong cách sống của anh vì từ đó đã giúp cho tôi học được ở anh rất nhiều điều có ích trong tính bao quát công việc, tính chỉ huy điều hành dứt khoát, kiên quyết và triệt để, cụ thể rõ ràng nhưng hiệu quả đem lại thật không ngờ.
Đồng chí Hữu Hà với tay cầm tờ giấy trên bàn làm việc bước lại gần đưa cho tôi và hạ giọng nói nhỏ như chỉ đủ cho hai người vừa nghe:
- Huy Tuấn này! Đây là quyết định của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel điều động cậu về công tác ở đơn vị mới, tôi mới nhận được từ chiều hôm qua. Cậu cũng biết là Tập đoàn vừa mới được tái cấu trúc toàn bộ, sáp nhập hai chi nhánh kinh doanh và kỹ thuật làm một nên có sự thay đổi nhân sự trong các chi nhánh, cậu xem đi rồi thu xếp bàn giao công việc lại, xin nghỉ mấy ngày phép còn về thăm gia đình trước khi đi nhận nhiệm vụ mới nữa chứ.
Tôi cầm lấy tờ giấy, đó là quyết định điều chuyển công tác có đóng dấu đỏ chót, đọc lướt qua dòng chữ “… nay điều động đồng chí Trần Huy Tuấn… về nhận công tác tại Chi nhánh Viettel Yên Bái, giữ chức vụ Phó giám đốc kinh doanh cố định...”, chợt thấy một chút bàng hoàng mặc dù vẫn xác định đời người lính sẽ phải nay đây mai đó, luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Biết là vậy nhưng tôi vẫn thấy nặng trĩu trong lòng xen lẫn một chút buồn man mác và trống trải đến khó tả. Vậy là lại một lần nữa phải xa anh em đồng chí để lên đường nhận nhiệm vụ nơi khác với bao nhiêu nỗi lo lắng đan xen trong đầu, không biết con người và công việc ở đó thế nào. Hình như đã có lần tôi được nghe nói về Yên Bái, nơi đó cũng là một tỉnh miền núi có rất nhiều đồng bào các dân tộc anh em sinh sống, cuộc sống và người dân còn gặp không ít những khó khăn, tuy nhiên họ lại có nhiều những truyền thống và bản sắc riêng hình thành nên một nền văn hóa rất đa dạng và phong phú với nhiều nét độc đáo. Tiếng đồng chí Hữu Hà đã làm cho tôi thoát ra khỏi dòng suy nghĩ.
- Thôi! mình là người lính, ở đâu cũng là quê hương Huy Tuấn à, có anh em, đồng chí luôn bên cạnh cậu không sợ phải cô đơn đâu, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ nhé, đừng phụ lòng tin tưởng của anh nghe không.
Ngừng một lúc đồng chí nói tiếp:
- Cậu đi lên đó nếu có dịp nghỉ thì về thăm anh nhé.
Vừa nói Thượng tá Hữu Hà vừa bước lại bên tôi vỗ vỗ vào vai như gửi gắm một chút tình cảm của mình sau câu nói đó.
- Vâng, em sẽ cố gắng không để anh phải thất vọng đâu ạ.
Tôi thốt lên câu trả lời, hai anh em ôm chặt vai nhau, cố gắng nén nỗi xúc động đang dâng trào tôi chợt thấy hai khóe mắt mình cay cay như phải khói bếp, chậc..là thằng đàn ông ai lại chẩy nước mắt, đời lính mà, mình cũng đã được điều động công tác rất nhiều nơi rồi sao hôm nay lại ủy mị thế này. Tuy nhủ thầm như thế, nhưng trong lòng tôi bâng khuâng đến lạ lùng. Không có tình cảm làm sao được khi hai anh em chúng tôi đã từng có những thời gian đồng cam cộng khổ khá dài công tác cạnh nhau, khó khăn, ngọt bùi cùng nhau chia sẻ, giờ tôi lại khoác ba lô lên đường, còn anh ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ, làm sao anh em tôi không tránh khỏi tâm trạng trước giờ phút sắp phải chia tay mỗi người một nơi, đó cũng là chuyện rất thường tình của người lính mà thôi. Mấy ngày hôm sau, chia tay đơn vị tôi lên xe ô tô để tiếp tục chặng đường hành quân của người lính trong thời bình. Trước khi đi nhận nhiệm vụ mới, tôi có ba ngày phép được trở về nhà thăm gia đình.
Tôi về thăm nhà trong một sớm mùa thu khi tiết trời đã bắt đầu se se lạnh, nhìn từ phía xa đã thấy con sông Bùi hiền hòa quen thuộc hiện ra uốn lượn như một dải lụa đào với những bãi ngô non xanh mơn mởn được bồi đắp bởi những hạt phù sa nâu sậm đang dần dần hiện ra trong mắt tôi. Rảo vội bước chân lên chiếc cầu Pha nhìn xuống dòng sông nước rộng mênh mông sâu thẳm bất chợt bao nhiêu ký ức hồi còn nhỏ lại hiện về rõ nét trong tôi như mới ngày nào. Ngày đó, cái ngày tóc bờm sơm còn đỏ như râu ngô khen khét mùi dãi nắng, tôi thường đầu têu ra các trò nghịch ngợm, rủ đám bạn cùng lứa tuổi chăn trâu, cắt cỏ trong làng ra bờ sông chơi trò “thả bom”, chúng tôi cứ từng đứa một leo lên thành cầu rồi nhẩy từ trên cao xuống dòng sông để nước bắn tung tóe lên, nước mà bắn càng cao và to thì được coi là nhẩy đẹp rồi ngay sau đó thả người cho trôi sông xem ai đến được bờ bên kia nhanh nhất theo quy định khi mà dòng nước đang chảy xiết là thắng lớn. Giờ đây khi đã trưởng thành rồi, mỗi khi về thăm nhà, nhìn từ trên cầu cao xuống dòng sông, tôi thấy rùng mình và nổi gai ốc không hiểu sao ngày xưa mình lại liều đến thế bất chợt tôi mỉm cười một mình. Miên man suy nghĩ ngược theo dòng thời gian chẳng mấy chốc tôi đã về đến ngôi nhà quen thuộc, nơi cả tuổi ấu thơ của tôi lớn lên với bao nhiêu hoài bão và đầy ắp những kỷ niệm. Đẩy vội chiếc cổng tôi bước chân vào sân, chưa kịp lên tiếng đã nghe thấy tiếng mẹ vui mừng gọi Ba tôi:
- Ông ơi thằng Huy Tuấn nó về thăm nhà này ông ơi!
Tôi xúc động chạy lại ôm lấy bờ vai gầy của mẹ, mấy đứa em đằng sau nhà nghe tiếng mẹ kêu anh về cũng chạy ùa cả lên. Ba bỏ vội mấy tấm ảnh đang sửa, bước ra sân, nheo nheo đôi mắt đầy những vết chân chim cùng gương mặt rắn rỏi của người lính đã già đi theo năm tháng nhìn cậu con trai cao to cũng giống như mình ngày xưa trong trang phục quân đội lâu ngày về thăm nhà cười mủm mỉm hỏi luôn:
- Thế con về chơi nhà có được lâu không con, ngày mấy con lên đường.
- Dạ con chỉ có ba ngày nghỉ thôi Ba à, rồi con lại phải nhận nhiệm vụ mới ở tỉnh Yên Bái, nơi đó Ba đã hành quân đến bao giờ chưa? Tôi bỏ vội chiếc ba lô xuống nghế và trả lời.
- Ừ ngày còn chiến tranh, Ba cũng chỉ nghe anh em đồng đội nói trên đó có phong trào đánh giặc dữ lắm, nhất là khu Căng đồn Nghĩa Lộ chứ chưa được nghé lên.
- Cái thằng này hồi bé là đứa nghịch nhất nhì làng Xuân Mai, ai mà biết bây giờ nó lại trở thành sỹ quan quân đội. Ba mày đi đánh giặc, ở nhà nó toàn đầu trò nghịch ngợm cho bọn nhỏ ở xóm, lại còn biết hút thuốc lá từ lúc mới năm, sáu tuổi, còn biết chơi đánh đáo ăn tiền nữa. Mẹ vừa ngắm nhìn tôi tỏ vẻ rất hài lòng và kể tội tiếp:
- Ông còn nhớ ngày xưa, xuất lương thực của ông có đường phèn, đường hộp và mật, ông không ăn gửi về cho mẹ con tôi, tôi cất vào chum để dành ăn dần, nóng nó chảy ra thành nước mật đặc quánh như kẹo kéo ấy, thằng Huy Tuấn con ông nó toàn ăn vụng bằng cách thò tay vào quẹt nước mật để ăn, cứ như thế tôi đâu có biết, cho tới hôm gần hết nó bò vào ăn vụng, chum bị đổ ụp xuống vậy là nó mắc kẹt trong đó không ra được, may mà tôi tìm thấy không thì chết mất tiêu rồi.
Nghe mẹ kể tội tôi đỏ cả mặt, nghê thật, hồi còn nhỏ mình cũng thật nhiều tội, ghịch ngợm ra trò, vậy mà ước mơ trở thành anh bội đối với tôi giờ đây đã thành hiện thực. Ba vội ngắt lời mẹ:
- Thôi bà đi chợ mua thứ gì thật ngon cho con nó ăn nhé, chắc nó đi đường đói và mệt rồi, bà cứ ngồi đấy mà kể tội con.
- Huy Tuấn à, con thích ăn món canh cá nấu riêu chua, giờ mẹ đi ra chợ một lát mua về nấu cho con ăn liền nhé.
Vừa nói dứt lời bà với chiếc nón lá tất tưởi sách làn nhựa đi ra chợ. Ba tôi lúi húi thu dọn một loạt tấm ảnh mới chụp miệng không quên nhắc tôi đi tắm rửa, thay quần áo cho hết bụi đường để Ba, con còn hàn huyên tâm sự. Bữa cơm sum họp gia đình diễn ra thật đầm ấm, cả gian nhà bừng nên tiếng cười nói vui như ngày tết. Ba tôi lấy trong tủ ra một bình rượu rất to trong đó ngâm toàn là thuốc bắc đủ các loại rót ra hai chén nhỏ.
- Nào, Ba con ta cùng uống một chén nhé, rượu này là rượu thuốc, mỗi bữa Ba chỉ uống một đến hai chén cho khỏe thôi con ạ.
Nhấp một ngụm rượu, sau tiếng khà ông bắt đầu kể:
- Cái hồi mẹ mang thai con mới được ba tháng, Ba đã phải vào chiến trường Miền Nam chiến đấu, đến khi con lên bốn, năm tuổi Ba mới được về thăm nhà, lúc đó mẹ con chỉ vào Ba và nói “đây là Ba con đó, ra với ba đi con”. Con không những không chịu nhận mà còn òa lên khóc, đến bữa cơm cũng không cho Ba cùng ngồi vào mâm để ăn, không cho ngồi lên giường của mẹ con để ngủ, lúc đó Ba đã phải đi sang nhà hàng xóm ngồi chờ cho con ngủ rồi mới về nhà được. Ngày hôm sau Ba lên đường mẹ nói “con ra tạm biệt Ba đi con”, con lắc đầu và chỉ nên tấm ảnh treo trên tường bi bô nói “không Ba của con ở trên ảnh cơ không phải người khoác ba lô này đâu”. Ba đành phải quay mặt giấu đi giọt nước mắt tủi thân lăn dài khi đứa con trai đầu lòng không nhận mình là Bố, và rồi Ba tự an ủi mình, chiến tranh mà người lính phải chịu nhiều hy sinh mà thôi.
Sau một hồi nhăn trán trầm tư như nhớ lại cảm giác của ngày đó, ông cất giọng nói tiếp:
- Huy Tuấn này! Giờ con đã là người lính đeo quân hàm Thiếu tá quân đội rồi, nhưng mặt trận của các con bây giờ không phải cầm súng đi đầu xung trận đánh giặc trong tiếng bom đạn nữa, mà là mặt trận trong thời bình góp phần xây dựng và đổi mới quê hương, đất nước. Nhưng con cũng phải biết nó đầy rẫy những cạm bẫy, thử thách, mỗi viên đạn có thể bắn trúng con là những viên đạn bọc đường, không nghe thấy và cũng không nhìn thấy được. Do đó trong công việc con phải hoàn thành cho thật tốt, phải chiến đấu đến tận cùng tham vọng của bản thân, đừng vì chức tước, danh vọng mà làm điều gì trái với lương tâm một người lính, con hãy giữ cho lòng mình sao trắng như trang giấy, ngòi bút có sắc nhọn đến mấy cũng không nhọn bằng ý chí của con nghe không.
- Vâng con hiểu rồi.
- Ông cứ lo xa quá, tôi tin thằng Huy Tuấn nhà mình nó không bao giờ làm điều gì để tôi và ông phải buồn đâu. Ăn đi con, cá sông mẹ mua thịt thơm và ngọt lắm.
Nói rồi mẹ nhanh tay gắp vào bát cho tôi một khúc cá thật ngon, mẹ tôi vốn là vậy, rất chu đáo và thương con. Tôi lặng người đi sau lời căn dặn rất sâu sa nhưng thực tế vô cùng của Ba, cho dù đã trưởng thành nhưng chưa một lần nào ông quên nhắc nhở tôi mỗi khi về thăm nhà. Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc tràn đầy trên khuôn mặt rạng ngời và sau những tiếng cười của Ba mẹ tôi. Thời gian về phép trôi đi thật nhanh chóng, tôi phải tạm biệt những bữa cơm sum họp ấm cúng cả gia đình cùng với món canh cá mẹ nấu mà tôi ăn thấy ngon nhất từ trước đến giờ để lên Yên Bái nhận nhiệm vụ mới trong lòng tự nhủ rằng, dù bất cứ mọi khó khăn vất vả nào cũng không thể khuất phục được bản chất của người lính trong tôi. Mọi sự lo lắng của tôi cũng tan biến đi sau một thời gian sống và làm việc tại Chi nhánh Viettel Yên Bái. Con người ở đây họ sống thật tình cảm và gần gũi vô cùng, tôi luôn được anh em đồng nghiệp trong Chi nhánh giúp đỡ nên chẳng bao lâu sau đã nhanh hòa mình vào cuộc sống và công việc. Thấm thoát trọn vẹn một năm đã trôi qua, trong những chuyến đi công tác, bước chân của tôi đã trải qua khắp các huyện vùng cao của Yên Bái, cảm nhận thấy cuộc sống của người dân nơi đây còn quá nhiều khó khăn, nhất huyện Mù Cang Chải nơi có đến tám mươi phần trăm là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, một trong những huyện được xếp vào diện nghèo của cả nước. Đến gặp họ vào những bữa cơm, nhiều gia đình chỉ có cơm ăn với muối trộn cùng vài quả ớt nướng, nhiều trẻ em vẫn không được đến trường học chữ mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều Chương trình giúp đỡ các hộ nghèo. Cùng với nhiệm vụ chung của Chi nhánh, tôi đã tích cực tham gia rất nhiều công tác làm từ thiện, sinh hoạt văn hóa của tỉnh, cũng chính từ đó trong một chuyến đi công tác dài ngày tôi đã có một kỷ niệm không bao giờ quên được. Hôm đó, khi đoàn công tác chúng tôi đang trên đường đi vào Thị xã Nghĩa Lộ ủng hộ đồ dùng học tập cho học sinh tiểu học tại các trường trên địa bàn của xã, khi xe ô tô chúng tôi đang trên đường đi qua Đèo Ách chợt trông thấy một cô gái tóc dài đến ngang lưng, tay cầm chiếc nón lá đứng giữa trời nắng chang chang liên tục vẫy tay cho xe dừng lại, tôi nói cậu Bảo lái xe dừng lại xem cô gái cần gì, khi xe ô tô vừa mới đỗ với khuôn mặt còn lấm tấm mồ hôi, đỏ bừng vì nắng cô gái chạy lại bên cửa xe nói rất vội vàng như sợ chúng tôi đi mất:
- Mấy anh bộ đội ơi, giúp em sửa giùm chiếc xe với, sáng mai em có cuộc họp tại Ủy ban xã rồi, nếu không em sẽ về không kịp mất.
- Cái gì chứ sửa máy móc là nhiệm vụ của anh mà em, anh vốn là lính sửa xe tăng đấy, để đấy anh xem cho. Cậu lái xe thò đầu ra nói mấy câu trêu nghẹo.
- Cậu chỉ được cái lẻo mép, giữ cái mồm của cậu lại kẻo lôi thôi đấy nghe không.
Vừa bước xuống xe vừa quay sang nhắc nhẹ cu cậu, nhìn chiếc xe đạp mi ni xanh đang nằm chỏng chơ bên đường, tôi dựng dậy dắt thử nhưng không nhích đi được vì xe đã bị kẹt xích, lấy dụng cụ sửa chữa sau ca bin xe ô tô tôi vừa tháo hộp xích xe đạp của cô gái vừa hỏi chuyện:
- Em tên gì?công tác ở đâu? đi vào Ủy ban xã làm gì?
- Anh hỏi cứ như em là tội phạm ý, vừa nói cô vừa đưa tay lên bụm miệng cười tủm tỉm làm tôi thấy ngượng đỏ cả mặt.
- Em tên Lan, Ngọc Lan, em là giáo viên trường tiểu học ở xã Nghĩa Lộ. Sáng ngày mai em phải chuẩn bị để đón đoàn Viễn thông Quân đội vào ủng hộ đồ dùng cho các em học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới anh ạ. Thế anh tên gì cho em biết để còn tiện nói chuyện.
- Anh là Huy Tuấn, công tác tại Viễn thông Quân đội Viettel Yên Bái, vậy là anh và em cùng đi đến một địa chỉ rồi.
Ngọc Lan không tránh khỏi ngạc nhiên và vui mừng vì hình như mình đã đoán trúng:
- Thì ra các anh vào để ủng hộ cho trường học của huyện ạ, ôi vui quá, vậy là em có bạn đường rồi.
Rất hồn nhiên và nhí nhảnh, nhưng lại mang vẻ đẹp dịu dàng, đậm sắc của một thiếu nữ miền núi Ngọc Lan đã chiếm gọn được cảm tình của cả đoàn công tác chúng tôi, chiếc xe của em bị đứt xích tôi đành cho lên sau xe ô tô buộc lại ,Ngọc Lan đi luôn cùng anh em chúng tôi về xã. Sau chuyến đi ngày hôm đó tôi và Ngọc Lan đã trở thành đôi bạn rất thân, Từ chỗ Chi nhánh tôi làm việc vào tới nơi Ngọc Lan ở cũng chỉ mất hơn hai giờ đồng hồ, cứ có dịp là tôi lại nghé qua thăm em để có thể trò chuyện và giúp đỡ Ngọc Lan những công việc nặng trong cuộc sống hàng ngày mà với một cô gái chân yếu tay mềm như em vốn không làm được. Một ngày cuối mùa hè, sau buổi chiều làm việc tại trạm huyện xong tôi xuống chỗ Ngọc Lan ở, tối hôm đó hai đứa lững thững đi quanh đồi chè Nghĩa Lộ mọc san sát thành từng vòng, đều tăm tắp lùm lùm như chiếc mâm xôi Ngọc Lan nắm tay tôi khe khẽ hỏi:
- Anh Huy Tuấn này! Em rất muốn biết về gia đình anh, anh vào bộ đội từ khi nào? có phải huấn luyện hay học qua trường lớp gì không anh, có vất vả nhiều không, kể cho em nghe đi.
- Đời lính tráng dĩ nhiên là rất vất vả và nghèo lắm em ạ, nhưng họ sống thật tình cảm và tràn đầy nhiệt huyết với hai từ cống hiến và hy sinh. Em biết không, anh có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ và nhiều bài học làm hành trang cho cuộc đời mình lắm Ngọc Lan à.
Vậy là bao nhiêu dấu ấn của cuộc đời trong suốt thời gian qua lại tái hiện về trong tôi rõ nét như mới ngày nào, cái thời gian khổ nhưng tự hào khi được sống đời lính. Những điều vô cùng đáng trân trọng ấy đã giúp cho tôi trở thành một Thiếu tá quân đội như ngày hôm nay.
Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo lắm, Ba tôi đi bộ đội rồi gặp mẹ tôi ở đất Hà Tây lấy nhau và lập nghiệp tại đây, mẹ tôi xuất thân từ nhà nông bần hàn vô cùng khó khăn, lấy Ba tôi nhưng thời gian được ở bên cạnh chồng là rất ít chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, khi đất nước đang lâm vào cảnh chiến tranh tàn phá, Ba tôi lại khoác ba lô lên đường vào chiến trường Miền Nam chiến đấu, sau giải phóng mới trở ra miền Bắc. Một mình mẹ nuôi 4 anh em tôi, tôi là con trai cả, tiếp đến là hai cô em gái và cậu em trai út, vất vả và cơ cực trăm đường. Lúc còn bé để giúp mẹ kiếm sống hàng ngày tôi thường phải khoác những ba lô rượu, thuốc lá cuốn vào bán cho căng tin của một doanh trại bộ đội tập huấn trong làng dân tộc Mường, cách nhà tôi hơn ba cây số, và có nhiều khi phải đi theo phụ người lớn chụp ảnh ở tận Mai Châu, Hòa Bình. Tuổi thơ của tôi qua đi với những trò nghịch ngợm của con trẻ và những khó khăn thiếu thốn vất vả trong cuộc sống. Nhưng ngày ấy trong làng cảnh nhà nào cũng thế, đều do tàn dư của chiến tranh mang lại, nghèo và thiếu ăn là mặt bằng chung lúc bấy giờ, khi đó tôi chỉ mơ ước lớn lên được làm thầy giáo hoặc là một anh bộ đội như Ba tôi vì lúc còn bé khi nghe tiếng dày lộp cộp của Ba và các chú cùng đơn vị sau lần được vào tận nơi thăm tôi nghe thấy oai oai và thích lắm. Khó khăn vất vả là thế nhưng mẹ tôi vẫn hoàn thành trách nhiệm, nuôi chúng tôi khôn lớn và trưởng thành, đứa nào cũng có công ăn việc làm ổn định, sau hòa bình Ba tôi mới trở về quê hương, giờ ông là thương binh bậc bốn trên bốn ở nhà làm thêm nghề chụp ảnh và làm công việc in ấn cùng với mẹ tôi.
Tôi bắt đầu nhập ngũ năm 1990 vào Lữ đoàn 134 thuộc Binh chủng thông tin liên lạc, nơi Ba tôi đã từng công tác trước khi về hưu, ngày đó tôi nhỏ bé lắm, chỉ cao có một mét sáu mốt, nặng bốn mươi bẩy cân thôi, lúc mới vào doanh trại còn đang lơ ngơ đợi đơn vị phân công và phát quần áo quân đội, có một cậu cùng mặc bộ quần áo lính mới toanh có lẽ cũng giống như tôi đến bên cạnh hỏi:
- Em con ai, em vào đây chơi à?
- Không em đi lính cũng như anh mà.
Tôi trả lời còn cậu lính kia tròn xoe mắt không tin vì bộ quần áo lúc bấy giờ tôi được phát là bộ số ba nhỏ nhất, mặc vào còn phải xắn tới 2 nếp quần mới vừa, áo thì rộng thùng thình. Bây giờ bộ quần áo số to nhất tôi mặc mà còn thấy hơi chật. Cái thời nhập ngũ ăn uống thật kham khổ, gạo được đưa vào sử dụng theo kế hoạch thay phiên đổi hạt để phục vụ dự trữ chiến đấu để trong kho lâu ngày mốc khô và nhiều thóc, sạn vô kể, anh chị nuôi quân phải cho vào cái chảo thật to khoắng đều tạo thành dòng xoáy cho thóc sạn lắng xuống mới dùng nấu ăn được, muốn có rau xanh nấu canh cũng còn khó kiếm được, canh được cho vào ô măng nhê thật to để ngay cửa ra vào nhà ăn, mỗi người chỉ được một bát để dành ăn cơm cùng vài lát thịt mỏng mà thôi. Ngày đó do ăn uống thiếu chất nên nhiều cậu lính còn bị phù nề, cứ thò tay ấn vào chân là bị lõm sâu vào khi thả tay ra mãi sau thịt mới đẩy ra đầy vết lõm. Vậy là sau sáu tháng huấn luyện tôi được điều về công tác tại tiểu đoàn tám mốt, đóng quân tại đồi Thanh tước Mê Linh – Vĩnh Phúc, sau đó về các tổ dây VB12 ở Nghĩa Hưng – Lạng Giang – Hà Bắc, VB8 thị xã Đông Anh – Hà Nội, đây là các tổ dây nằm sâu trong dân, cách nhau từ hai mươi đến ba mươi cây số, có khoảng ba đến bốn người trong một tổ ở cùng một ngôi nhà nằm cạnh làng với nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ các tuyến cáp thông tin quân sự, những đêm trời mưa to, chúng tôi phải khoác súng, ôm điện thoại đi nối thông liên lạc vì ngày đó có phong trào ăn trộm dây đồng, họ không hiểu được sự quan trọng của những tuyến đường dây điện nên cắt trộm về lọc lấy dây đồng đem bán lấy tiền, mà số tiền đó quá ít so với giá trị của nó. Cứ thế cả đêm đi tuần tra cho đến sáng về chúng tôi ăn cơm chỉ có rau và muối trắng, nhưng bù lại người dân nơi đây họ rất yêu quý bộ đội, hồi đó còn khó khăn lắm, chúng tôi sống chủ yếu nhờ vào sự đùm bọc của dân làng bằng những củ khoai, củ sắn, mớ tép đòng đong, khi thì mấy con cá rô đồng mà đâu có mỡ để rán, chỉ có thể cho lên nướng hoặc luộc ăn với muối là ngon lắm rồi vì ngày đó đơn vị ở cách xa hàng mấy chục cây số, cứ mươi mười năm ngày chúng tôi mới thay phiên nhau về lấy củi, gạo và tiền ăn trợ cấp xuống tổ, những lúc đó là anh em vui lắm, không phải lo thiếu gạo và có tiền để mua thức ăn rồi. Nhưng đằng sau sự nhọc nhằn gian khổ đó là niềm vui khi tôi đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ nên năm 1991, được sự quan tâm của cấp trên tôi đã được đi học lớp Hạ sỹ quan chỉ huy, kết thúc khóa học về làm tổ trưởng tổ VB11 ở Thọ Điền- Ngọc Thiện -Tân Yên - Hà Bắc. Sau một năm công tác tại đây để giúp cho tôi được nâng cao nghiệp vụ, rèn luyện thêm tinh thần ý chí quyết thắng của người lính tôi tiếp tục được cử đi học lớp dự khóa văn hóa tại trường sỹ quan thông tin Đồng Đế - Nha Trang và hoàn thiện sỹ quan chỉ huy phân đội binh chủng hợp thành tại Trường sỹ quan Lục quân 2 Long Thành tỉnh Đồng Nai. Cái thời học sỹ quan rất nghiêm và vất vả nhất là khi luyện tập ở thao trường, chúng tôi phải đứng xếp thành hàng trên miệng giao thông hào, dùng tấm bảng có giá bằng ba chiếc gậy như cái que ghép lại để viết, đứng nhiều đến mức chân bị rỗ hết, có đứa đứng học giữ súng ngủ gật giật mình chực lao đầu xuống giao thông hào. Giờ nghỉ giải lao cả bọn chúng tôi bảy, tám thằng chụm đầu hút chung nhau điếu thuốc lá cuộn, gọi là phong trào hút thuốc lá bắt tóp, vì vậy mà người ta mới nói bộ đội đoàn kết gắn bó với nhau từ điếu thuốc lá, trưa về ăn cơm nhanh rồi đi ngủ một lúc, ai cũng có một ca nước có nhúng khăn mặt để sẵn đầu giường, hễ cứ nghe tiếng kẻng báo thức là bật dậy vớ khăn mặt lau luôn, chỉnh đốn nội vụ chạy ngay ra sân tập trung đi ra thao trường. Nhớ lại kỷ niệm trong lần diễn tập tổng hợp, điều kiện và hoàn cảnh như đang trong thời điểm chiến tranh chúng tôi phải hành quân, lội đèo, leo núi, chân phồng rộp hết cả lên, đào bếp Hoàng Cầm để nấu cơm, vẽ bản đồ tác chiến và ngủ võng trong rừng, đến sáng dậy bắp chân đứa nào cũng dầy đặc toàn những nốt đỏ li ti do muỗi đốt, nhìn kỹ góc màn thấy muỗi bám đầy như tổ ong trông rất ghê, may mà không ai bị bệnh sốt rét. Cùng hành quân với tiểu đoàn có cậu Lê Thương bạn rất thân với tôi được nhận nhiệm vụ tập làm quân bưu vận chuyển công văn, ban đêm chạy bộ lội suối và mấy cây số đường rừng từ sở chỉ huy Trung đoàn chuyển lên sở chỉ huy Sư đoàn, chuẩn bị đến giờ “G” giờ nổ súng, đồng chí vừa đến nơi thở hổn hển và nói “Báo….cáo…báo …cáo…”, thủ trưởng nói báo cáo nhanh, đồng chí ấy nói “ báo….cáo thủ trưởng có công văn ạ”, Thủ trưởng nói to “công văn đâu” đồng chí quân bưu thò tay vào túi khoắng một hồi rồi mặt tái nhợt lắp bắp nói “báo….cáo”, Thủ trưởng hỏi dồn “báo cáo gì, công văn đâu?” cậu ta càng lắp bắp và cuối cùng nói “báo… cáo thủ trưởng, có công văn nhưng em bỏ quên ở Sở chỉ huy Trung đoàn rồi ạ’. Thủ trưởng giận dữ quát ầm lên vì lúc đó không còn thời gian nữa, công văn mệnh lệnh chiến đấu mà cậu ấy lại bỏ quên, giờ chiến đấu đến rồi vậy là phải sử dụng thông tin Hữu tuyến kết hợp Vô tuyến theo kế hoạch chiến đấu hai. Còn Lê Thương bị xử lý theo đúng quy định kỷ luật chiến đấu, tôi thương cậu ấy quá, nhưng vì trong quân đội kỷ luật quân sự thì không thể cứu vãn được. Vậy là sau một thời gian dài, với môi trường trong quân ngũ đã rèn luyện cho tôi tính kỷ luật, thẳng thắn, khiêm nhường và chuẩn mực, một người lính có ý chí không chịu lùi bước trước những khó khăn. Sau thời gian này, tôi về thực tập vai trò lãnh đạo đầu tiên của người sỹ quan chỉ huy quân đội với chức danh Chủ nhiệm thông tin Trung đoàn tại Trung đoàn Bộ binh 95 đóng quân ở Krongbuk – Đắclak vùng đất đỏ cao nguyên, ở nơi đây chẳng ai có thể mặc được quần áo trắng vì gió bụi và mầu của đất xen giữa bạt ngàn rừng cà phê. Đơn vị chúng tôi đóng quân ở cách xa thị trấn cả chục cây số, ngày đó không có nhiều phương tiện đi lại như bây giờ nên chỉ có ngày cuối tuần anh em chúng tôi mới có thể ra thị trấn Buôn hồ chơi mà thôi. Lính chúng tôi xa nhà lâu ngày nên anh nào cũng rất nhớ gia đình, được về thăm nhà là vui không kể xiết. Có lần dưới Đại đội cho một cậu quê ở Phú Yên nghỉ tranh thủ về thăm nhà, trước khi đi Ban chỉ huy đại đội dặn dò và giao nhiệm vụ thời gian phải có mặt tại đơn vị, đồng chí Đại đội trưởng nhắc đi nhắc lại cậu ta rằng đúng 18 giờ chiều ngày thứ 4 phải có mặt, đồng chí quân nhân vâng, dạ hứa sẽ thực hiện nghiêm túc, đến 18 giờ rồi 19 giờ thứ 4 và sáng hôm sau vẫn không thấy đồng chí đó về đơn vị, Ban chỉ huy ngồi ruột nóng như lửa đốt nhưng vẫn quyết tâm đợi nốt ngày hôm sau, nếu không thấy sẽ cử cán bộ về nhà tìm. Đến 17 giờ chiều thấy đồng chí có mặt ở đơn vị và cười nói rôm rả với bạn bè, đồng đội như không có chuyện gì xẩy ra. Ban chỉ huy Đại đội lập tức gọi đồng chí quân nhân lên gặp gỡ để hỏi xem làm sao giờ này mới về đơn vị, đồng chí Đại đội trưởng quát to “tôi cho đồng chí đi đến thời gian nào”, đồng chí quân nhân ngơ ngác nói “ơ ! em lên đúng giờ mà thưa thủ trưởng”, đồng chí Đại đội trưởng nói tiếp “ai bảo là đúng giờ, đồng chí nhắc lại xem tôi cho đồng chí đến thời gian nào phải về đơn vị” đồng chí quân nhân nói “dạ thưa Đại đội trưởng 18 giờ ngày thứ 4 ạ”. Đại đội trưởng bực mình chỉ tay vào cuốn lịch treo trên tường quát to “đồng chí nhìn xem bây giờ là ngày thứ mấy”, đồng chí quân nhân nhìn lên lịch rồi cúi mặt xuống lí nhí trả lời “em ở nhà rõ ràng là thứ 4 mà lên đây đã thứ 5 rồi” trong khi đó nhà của đồng chí này chỉ cách đơn vị chưa đầy hai trăm cây số. Cả ban chỉ huy ớ người vì không thể tin được cậu chiến sỹ này lại trả lời một cách ngây thơ đến thế và suýt bật cười trước mặt cậu ta, sau này bắt cậu ta viết bản tưởng trình kiểm điểm mới biết cậu ấy về nhà vui quá mải chơi, ở nhà lại không bóc lịch nên cậu ấy nhầm, chứ thậm chí cậu ấy còn lên đơn vị trước thời gian một giờ. Đời lính chúng tôi còn rất rất nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ. Vậy là hết thời gian thực tập tôi lại trở về trường để thi tốt nghiệp rời xa mảnh đất là nơi thử nghiệm vai trò lãnh đạo đầu tiên của người sỹ quân chỉ huy quân đội.
Rồi những tháng ngày tiếp theo, tôi được điều động về Quân chủng Phòng không – Không quân nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn tên lửa 276 thuộc Sư đoàn phòng không 367, đến tháng 9 năm 1999 tôi lại khoác ba lô về nhận công tác tại Tiểu đoàn tên lửa 168 thuộc Trung đoàn 276 đóng quân ở thị trấn Lái Liêu, tỉnh Bình Dương, tại đây bên cạnh nhiệm vụ trung đoàn giao cho, tôi thường xuyên tham gia rất nhiều các hoạt động công tác đoàn ở địa phương nên cán bộ thanh niên và chính quyền nơi đây rất quý mến. Nhớ ngày tôi quay trở về thăm lại các đơn vị cũ để cảm ơn những nơi đã từng đào tạo rèn luyện tôi trưởng thành với tấm lòng đầy tri ân và biết ơn sâu sắc trong đó có tỉnh Bình Dương. Tôi đã đến nơi gắn bó nhất với tôi đó là huyện Thuận An, một hình ảnh làm tôi rơi nước mắt và cảm động vô cùng trước sự chào đón của mọi người nơi đây đó là khi tôi vừa bước chân xuống xe đi vào cổng, đập vào mắt tôi là cả một không gian sống động với tiếng nhạc vui nhộn nổi lên, một dàn nhạc sống có cả loa đài, tăng âm và ca sỹ cùng với người anh em Lý Dương cán bộ tỉnh đoàn, người bạn đã thương tôi như anh em ruột thịt, các anh em xã đoàn, huyện đoàn tỉnh đoàn đứng thành hàng ra đón tôi. Lý Dương đưa tôi vào giữa vườn trái cây lái thiêu một bàn nhậu đã được bầy ra sẵn theo đúng phong cách Nam Bộ với một chút đồ nhậu rất đơn giản nhưng ấm cúng vô cùng. Chúng tôi ăn nhậu giữa vườn trái cây, hàn huyên tâm sự nhắc lại những kỷ niệm đã qua, rồi thời gian không cho phép tôi được nán lại đó, chia tay anh em tôi quay trở về ngoài Bắc. Lý Dương buồn lắm vì tôi đã không thể đủ thời gian để về thăm gia đình vợ con cậu ấy, bởi vì cả gia đình cậu ấy đều thương tôi như con đẻ vậy, nhưng tôi phải đi vì thời gian quá hạn hẹp, đành phải xin nhận lỗi với Lý Dương kèm theo lời hẹn, anh sẽ quay lại thăm em và gia đình trong một thời gian tới.
Mùa xuân năm 2005, tôi về làm Phó đại đội trưởng quân sự - Đại đội chỉ huy thuộc Trung đoàn Rada 294 tại Tân Sơn Nhất, đây là đơn vị đảm bảo thông tin cho quản lý bay ở khu vực Miền Nam tính từ Bình Thuận đổ vào các tỉnh Miền đông và Miền tây Nam Bộ, tại đây tôi còn có một kỷ niệm vô cùng buồn không bao giờ tôi quên được trong đời người lính. Ngày mới về nhận nhiệm vụ, tại trung đoàn tôi có đồng chí Lê Khiêm cũng mới nhận chức vụ Đại đội trưởng trước khi tôi về được mấy tháng, anh ấy đã được đào tạo qua lớp sỹ quan ngắn hạn mười tháng lên thay cho một đồng chí đã luân chuyển công tác mới, nhưng vì cách sống và làm việc của đồng chí không được anh em trong đơn vị nể phục, nên đã có đơn kiện cáo lên cấp trên không đồng ý để đồng chí ấy giữ chức vụ Đại đội trưởng. Nhưng thật không ngờ, đồng chí Lê Khiêm đã báo cáo thẳng sang Đảng ủy Trung đoàn và khẳng định chỉ có đồng chí Huy Tuấn mới làm chuyện đó thôi chứ không ai khác. Tôi giật mình đau đớn không tin nổi vào tai mình khi bị triệu tập để nhắc nhở và kiểm tra. Trong chiến tranh giữa cái sống và cái chết anh em đồng chí còn sát cánh bên nhau, sẵn sàng hy sinh để đồng đội mình được sống huống chi bây giờ là thời bình, làm gì có chuyện tôi lại cầm súng bắn vào đồng đội của mình chỉ vì muốn giữ một chức vụ. Tôi đã suy nghĩ mất ăn, mất ngủ mấy đêm liền, điều làm tôi day dứt nhất tại sao lại là đồng chí của mình khẳng định chính tôi đã làm điều đó. Mấy ngày sau đó để giải tỏa mọi oan ức, tôi đã lên gặp thẳng Đảng ủy và nói rằng, tôi là người lính tự hào khoác trên mình bộ quân phục, sống một cách trong sạch tự hào, bản thân luôn đứng thẳng như thân cây xa mu trên rừng, nếu như các đồng chí chứng minh được chính tôi đã làm chuyện đó thì tôi xin từ chức và ra quân không luyến tiếc gì nữa. Rất may ngay sau đó sự việc đã được làm rõ, biết người đó không phải là tôi, đồng chí Lê Khiêm thấy ân hận vô cùng nên đã tìm gặp tôi để nói chuyện riêng, tôi khẳng định với đồng chí rằng, tôi muốn phấn đấu và cống hiến, hy sinh cho quân đội bằng chính sự nhiệt huyết và tinh thần dũng cảm chân thực, chứ không sống theo kiểu nhờ cậy, quỵ lụy chỉ vì muốn có một chức vụ chỉ huy. Tôi nghĩ nếu như trong chiến tranh giữa cái sống và cái chết có lẽ không sợ bằng chính sự hiểu nhầm của đồng đội mình. Mọi việc rồi cũng theo thời gian qua đi, được sự điều động của của Bộ quốc phòng, tôi về nhận công tác tại Tổng công ty Viễn thông Quân đội giữ chức vụ Phó Giám đốc kỹ thuật phụ trách xây dựng hạ tầng mạng lưới chi nhánh Kỹ thuật Tuyên Quang, đây là nhiệm vụ rất mới bản thân tôi chưa hiểu sâu gì về kỹ thuật viễn thông và xây dựng nên đã cố gắng cùng anh em đi sâu vào thực tế tìm hiểu bằng chính công việc hàng ngày. Nhưng do được rèn luyện từ trong quân đội nên những việc tôi làm đều xuất phát từ suy nghĩ phải làm sao cho công việc hoàn thành thật tốt, tạo được một tập thể luôn hùng mạnh, bản thân mình sẵn sàng hy sinh cá nhân để cộng đồng phát triển bền vững thì sự đóng góp của mình không bị uổng phí, đó cũng là ý chí của người lính không chịu lùi bước trước những khó khăn, thế nên ở nhiệm vụ nào tôi cũng cố gắng làm cho bằng được. Ngày đó đi xác định tuyến để đánh dấu kéo cáp là vô cùng vất vả, những chuyến đi kiểm tra nghiệm thu tuyến và lắp cột phát sóng trên đỉnh núi phải đi vào trong các vùng sâu như Thượng Nông – Thượng Giáp của huyện Na Hang, tuyến đường Tân Trào – Sơn Dương đường đi vô cùng khó đồi núi nhiều nên chúng tôi phải mang theo lương khô để ăn, có những hôm trời mưa, núi cao, đường dựng đứng trơn tuột, tôi phải bò theo từng búi cỏ, gốc cây thận trọng từng bước mới leo được lên tới đỉnh, chỉ cần một chút sơ hở là có thể rơi xuống chân núi bất cứ lúc nào và khi đó thì chỉ có chết mà thôi. Thường xuyên phải trèo đồi, lội suối, bữa cơm chúng tôi ăn uống thất thường làm gì có chuyện được ăn đúng bữa, việc ăn bữa trưa vào lúc hai, ba giờ chiều đối với anh em chúng tôi xẩy ra là rất thường xuyên. Có những hôm để cho công việc được đúng thời gian anh em chúng tôi lần mò đến tối, rừng mờ, sương khuy phải dùng đến cả đèn xe ô tô để soi bản đồ đánh dấu để sáng mai kịp về xin cấp phép của Sở Giao thông. Hình như cái "chất lính" đã ngấm sâu vào từng thớ thịt, vào huyết quản tôi rồi, vậy là sau một năm với quyết tâm cống hiến cho Viễn thông quân đội cùng với sự hy sinh và lòng nhiệt huyết không chịu khuất phục trước những khó khăn vất vả của người lính đã qua huấn luyện, cơ bản tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao cho. Giờ đây với quân hàm Thiếu tá quân đội, tôi lại đang thực hiện nhiệm vụ mới tại mảnh đất quê hương Yên Bái đầy lịch sử anh hùng và tiếp tục thực hiện theo lời thề thứ hai trong mười lời thề của người lính “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác” sống giản dị, trong sạch, khiêm tốn, sẵn sàng xả thân khi đất nước cần đến.Tôi cảm ơn quân đội đã rèn luyện cho tôi cái phẩm chất ấy!
***********
Em không nghĩ để trở thành một Thiếu tá quân đội như bây giờ anh cũng đã phải trải qua nhiều khóa học huấn luyện và được điều động công tác nhiều nơi đến thế, lại còn thường xuyên phải sống xa gia đình nữa. Nhưng từ bây giờ ở đây anh sẽ có em là người bạn làm hậu phương vững chắc, động viên anh bất cứ lúc nào được không Huy Tuấn.
Ngọc Lan nhìn tôi cười và nói một câu rất chân thành làm tôi cảm động vô cùng.
- Cám ơn em, có em đi bên cạnh sẽ là động lực vô cùng lớn lao cho anh, anh muốn cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, anh mãi là người lính trong sáng, vô tư và giản dị, biết yêu thương đùm bọc, chia sẻ, trách nhiệm với đồng đội và người thân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đơn giản chỉ có vậy thôi em ạ.
Ngọc Lan nhìn tôi khúc khích cười, trên bầu trời ánh trăng về đêm như cùng hùa theo em, nghiêng nghiêng lưỡi liềm vì khuyết một nửa. Tôi cảm thấy cuộc đời người lính thật hạnh phúc với những điều vô cùng bình dị nhưng đáng trân trọng vô cùng ./.
-
Giới trẻ Nghệ An thích thú với hình ảnh xe bus công nghệ 5G của Viettel
563 | 1 Bình luận | 3 Thích
-
Gian hàng TV360 trình diễn công nghệ tại Techconnect Vietnam 2024
227 | 0 Bình luận | 0 Thích
-
Lịch thi đấu bóng đá Europa League trên TV360 ngày 3/10
138 | 0 Bình luận | 0 Thích
-
Siêu bão YAGI- Thước đo ý chí chiến đấu trong mỗi chiến binh...
3267 | 36 Bình luận | 32 Thích
-
Chúc mừng 30 cá nhân được TCT khen thưởng hoàn thành xuất sắc...
2256 | 1 Bình luận | 6 Thích
-
Chính thức công bố 10 đội sẽ bước vào chung kết cuộc thi Viettel...
1607 | 6 Bình luận | 17 Thích
-
Kỷ niệm 20 năm kinh doanh di động: Chương trình quay số may mắn...
1483 | 0 Bình luận | 9 Thích
-
Viettel hỗ trợ hơn 1,3 triệu khách hàng trong khu vực ảnh hưởng...
1391 | 0 Bình luận | 4 Thích