Những tháng ngày không thể quên tại Haiti: Thấm thía về giá trị cốt lõi "Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh"
Bùi Anh Tuấn đã đăng lúc 12:21 - 14.10.2024
Câu chuyện hồi tưởng về lần đầu tiên đi thị trường nước ngoài của tôi, ánh xạ tới giá trị cốt lõi Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh. 8 giá trị cốt lõi của Viettel, mỗi giá trị đều có những ý nghĩa riêng và góp phần vào việc tạo nên, định hình bản sắc và phát triển Viettel như ngày nay. Với tôi, khó có thể chọn ra giá trị nào hay hơn, sâu sắc hơn giá trị nào nhưng có 1 giá trị mà tôi nghĩ anh em đã từng đi thị trường thấm thía nhất đó là "Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh"
Tôi gắn bó với Viettel từ khi mới ra trường, tới nay đã được hơn 16 năm, có thể nói đã dành trọn tuổi thanh xuân cho tổ chức này. Từng trải qua nhiều vị trí với 6 thị trường đã đặt chân tới: Haiti, Timor, Peru, Lào, Cam và Mozambique; trong nước cũng chỉ còn vài tỉnh là tôi chưa đến công tác. Mỗi vị trí đảm nhiệm, mỗi thị trường nước ngoài, mỗi tỉnh thành nơi tôi đi qua đều để lại những dấu ấn riêng, những kỷ niệm khó quên, và những câu chuyện gắn liền với yếu tố văn hoá, giá trị doanh nghiệp.
8 giá trị cốt lõi của Viettel, mỗi giá trị đều có những ý nghĩa riêng và góp phần vào việc tạo nên, định hình bản sắc và phát triển Viettel như ngày nay. Với tôi, khó có thể chọn ra giá trị nào hay hơn, sâu sắc hơn giá trị nào nhưng có 1 giá trị mà tôi nghĩ anh em đã từng đi thị trường thấm thía nhất đó là "Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh"
Ngày tôi sắp bước sang tuổi 26, khi mới vào Viettel được 2.5 năm, tôi vinh dự là 1 trong 8 anh em (do anh Đức Bình làm trưởng đoàn) đi sang thị trường Haiti hỗ trợ 6 tháng cho khai trương. 6 tháng ngắn ngủi ấy đã qua đi mười mấy năm nhưng cho tới tận bây giờ nhiều hình ảnh sắc nét như mới xảy ra ngày hôm qua, những hình ảnh minh chứng rằng nếu không có sự thích ứng thì người Viettel không thể tồn tại và phát triển đến giờ ở những thị trường khó khăn và gian khổ như vậy.
Ngày ấy, khi lên máy bay rời khỏi Hà Nội háo hức bao nhiêu thì khi đặt chân xuống đất nước Haiti lại sốc bấy nhiêu. Lần đầu tiên tôi chứng kiến một sân bay tồi tàn đến vậy, nó giống như một sân bay quân sự hơn là 1 sân bay quốc tế. Nơi ấy đất và cỏ nhiều hơn bê tông cốt thép (được ví không khác gì một bãi ruộng mới gặt xong, còn lổn nhổn gốc rạ và đất), nơi ấy thay vì hàng quán là những người ăn xin, xe đẩy hành lý không miễn phí như mọi sân bay khác mà phải trả tiền và có cả tá người lao ra bày tỏ nguyện vọng xách đồ hay kéo valy giúp (tất nhiên là không giúp free). Vừa rời khỏi sân bay, đập vào mắt tôi là các trại tị nạn, nơi những người vô gia cư tập trung sống sót qua ngày vì nhà cửa đã bị chôn vùi cùng trận động đất lịch sử cách đây hơn 1 năm. Những trại tị nạn chắp vá bởi các túp lều cứu trợ từ cộng đồng quốc tế, sống ở đó là những gia đình không còn đầy đủ thành viên, không việc làm, heo hắt héo mòn vì đói ăn và bệnh tật. Dọc đường thi thoảng bắt gặp những thi thể nằm giữa đường chưa được chôn cất. Bắt gặp những cặp mắt vô hồn, những con người thiếu sức sống ngồi từ sáng tới tối ở cùng 1 chỗ với cùng 1 tư thế (có lẽ để tiết kiệm số năng lượng ít ỏi còn sót lại). Bằng từng ấy hình ảnh, bạn có thể tưởng tượng cả đoàn chúng tôi – đều là những người trẻ tuổi – ngạc nhiên, thương cảm và xen lẫn sợ hãi như thế nào.
Về đến nhà công vụ số 01, cảm giác an toàn và tiện nghi xuất hiện trở lại khi nơi đây được coi là 1 nơi dành cho VIP ở: 1 toà biệt thự nằm ở lưng đồi (ở thủ đô Haiti những người giàu thì ở trên đồi, còn người nghèo thì chen chúc nhau trong nội đô - trái ngược với thị trường Peru tôi làm sau này khi người nghèo mới phải dắt nhau lên đồi sinh sống). 8 chúng tôi được phát 4 chiếc đệm, xếp nối tiếp vào 4-5 chiếc đệm của anh em đến trước. Vâng, là 2 người 1 đệm và tổng cộng gần 20 người trong 1 căn phòng cỡ 40m2 ở tầng 1, đêm ngủ phải luôn nhớ mắc màn nếu không muốn hôm sau người chi chít vết muỗi đốt. Có một số phòng khác nữa ở tầng 2 nâng tổng số thành viên sinh sống trong ngôi biệt thự này không dưới 30. Căn biệt thự ấy không có điều hoà, không có máy giặt, nước được mua chở lên bằng oto hàng tuần và thường xuyên mất điện. Nhiều đêm mất điện và nhớ nhà, anh em lại mở màn kéo nhau ra giữa nhà ngồi vòng tròn tâm sự, vừa tâm sự vừa … đập muỗi. Nhiều ngày thiếu nước, anh em nhảy xuống hố chứa nước để chia nhau từng xô nhỏ. Ngày ấy, mỳ tôm là 1 thứ xa xỉ (siêu thị có bán mỳ tôm trung quốc, nhưng ăn rất dở nên gần như người Việt không ai mua), tôi được người đi trước dặn mang nhiều sang và tôi đã thực hiện đúng như vậy khi 1/2 hành lý ~ 23kg là mỳ tôm; người ta còn dặn bảo quản mỳ tôm cẩn thận nhưng điều này thì tôi không để ý lắm vì tôi nghĩ ai mà lại đi lấy mỳ tôm của mình; và tôi đã sai; Chưa đầy 24h, thùng mỳ tôm tôi để trong nhà bếp đã ... không còn 1 gói, có thể do anh em người Việt mà cũng có thể do người bản địa khi lau chùi quét dọn đã lấy đi.
Hàng ngày, xe chở chúng tôi đi làm là xe thùng (cho chở được nhiều), vâng, các chuyên gia Viettel ngồi kín thùng xe hàng ngày bon bon đến công ty làm việc rất vui và đáng nhớ. Đặc biệt có 1 thời gian chúng tôi thường xuyên thức dậy từ 4-5h sáng đi đến công ty vì thời điểm ấy người biểu tình chưa hành động (thời gian đầu công ty đã mạnh tay sa thải những viên chức không còn khả năng cống hiến nhưng vấp phải sự phản đối khá quyết liệt). Công ty hồi ấy là 1 toà nhà 8 tầng đang tu sửa, vừa làm việc vừa sửa sang nên trông khá ngổn ngang. Ngày đầu đến làm việc, tôi sốc tiếp khi nhận ra rằng vốn tiếng Anh mình tích cóp sau 3 năm cấp 3, 5 năm đại học cũng như 2 năm rưỡi đi làm gần như là con số 0, hơn 10 năm học tập và rèn giũa ngoại ngữ mà giờ chỉ biết mỗi hello, goodbye với how are you, i am fine thank you. Tai tôi ù đi, miệng tôi ú ớ trong các cuộc họp với người bản địa. Cần phải nói thêm rằng nhân viên bản địa nói tiếng Anh cực kỳ lưu loát, có thể đó là lợi thế khi Haiti chỉ cách nước Mỹ 2h bay. Ấy thế mà chỉ trong 2 tháng, bằng cách nào đấy tôi đã đứng lớp hướng dẫn các bạn cách quản lý hàng hoá, xuất kho, đấu nối, gạch nợ v.v... một cách tự tin. Không chỉ ở Port-au-Prince, tôi còn đi khắp các tỉnh của Haiti để đào tạo nghiệp vụ.
Một câu chuyện nữa thật vui về việc "thích nghi" mà anh em sau này kể mãi, mà mỗi lần kể đều cười chảy nước mắt là câu chuyện đi chợ. Câu chuyện về anh đầu bếp muốn cải thiện cho anh em sau những ngày làm việc vất vả bằng món gà xé trộn hành tây. Nhưng anh nói mãi mà người dân không hiểu anh muốn mua gì (họ chẳng biết tiếng anh, mà nếu họ có biết thì anh cũng đâu có rành). Bất đắc dĩ, anh vươn người giữa chợ, 2 tay khuỳnh lại rồi ... vỗ phành phạch, miệng kêu "Mama .. Chíc Cừn … Nâu Phắc", ấy thế mà mấy bà hiểu rằng anh muốn mua GÀMÁI TƠ liền chỉ chỗ cho anh và anh em chúng tôi được bữa cải thiện đáng nhớ
Còn nhiều, nhiều lắm những câu chuyện nhỏ thể hiện người Viettel thích nghi tốt như thế nào. Trong quá khứ chúng ta từng thích nghi với gian khó, khổ cực để có thành công hôm nay, giờ đây, người Viettel tiếp tục thích nghi trong tình hình mới, tình hình công nghệ phát triển từng ngày với những AI, BigData, IoT ... Thích nghi với khó khăn và khác biệt về văn hoá đã khó, thích nghi với công nghệ mới với những con người cũ lại càng khó khăn hơn gấp bội. Nhưng tôi biết người Viettel không biết lùi bước, người Viettel sẽ tiếp tục thích ứng với thời đại, vượt qua khó khăn, luôn luôn sáng tạo để giúp tổ chức này mãi trường tồn.
-
Minigame cực hấp dẫn – quan tâm Zalo OA, săn ngay thẻ cào 100k từ TV360!
32 | 0 Bình luận | 0 Thích -
GĐ Trung tâm CNTT VTT trở thành tân Phó Tổng Giám đốc Unitel: Trọng trách thúc...
2151 | 3 Bình luận | 18 Thích -
Tập đoàn có Chánh Văn phòng mới
2222 | 0 Bình luận | 8 Thích
-
TCT khen thưởng 22 CBNV hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tháng 3/2025
2607 | 1 Bình luận | 12 Thích
-
Tập đoàn có Chánh Văn phòng mới
2222 | 0 Bình luận | 8 Thích
-
GĐ Trung tâm CNTT VTT trở thành tân Phó Tổng Giám đốc Unitel:...
2151 | 3 Bình luận | 18 Thích
-
Chi bộ Viettel Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội làm trước,...
965 | 4 Bình luận | 16 Thích
-
Viettel Ninh Bình tổ chức bàn giao chức danh Phó Giám đốc KHCN
958 | 0 Bình luận | 2 Thích