Gửi ý
kiến BQT
Gửi tin
Nhịp sống

Người Viettel bán hàng trong kỷ nguyên chuyển đổi số

Nhịp sống đã đăng lúc 14:09 - 11.10.2024

Trước đây, các chuyến bán hàng door-to-door tại các bản làng xa xôi hẻo lánh, các sạp (booth) bán hàng lưu động tại vùng núi cao gần như là hình ảnh đại diện cho nỗ lực của người Viettel đưa viễn thông đến với người dân. Tiến vào kỷ nguyên số, hình ảnh đó dần thưa thớt, thay thế bằng một hình ảnh mới.

Gia nhập Viettel năm 2007, anh Lê Minh Tiến – Phó Phòng KH Cá nhân, Viettel Hà Nội trực tiếp trải nghiệm công việc vị trí nhân viên bán hàng ở cả giai đoạn thị trường viễn thông sôi động nhất, đến thời kỳ bão hòa và phát triển viễn thông số. Cùng với các đồng nghiệp, anh Tiến cũng có thời gian lăn lộn khắp các địa bàn tuyến huyện ở nhiều tỉnh, trước khi làm việc tại Viettel Hà Nội.

“Việc bán sim số, thẻ cào điện thoại,… trước đây gần như là mua đứt bán đoạn, giá cả hợp lý, tính năng phù hợp với nhu cầu, khách hàng chốt đơn là xong. Nhưng với các dịch vụ viễn thông số, mỗi người bán hàng phải là một nhà tư vấn giải pháp công nghệ lành nghề mới có thể chốt đơn được”, anh Tiến nói.

Screenshot 2024-10-11 at 14.02.51

Chiến binh của dịch vụ số

Để minh chứng cho sự phức tạp khi bán sản phẩm số, anh Tiến chia sẻ việc thuyết phục thành công một khách hàng sử dụng sản phẩm camera an ninh của Viettel. Hôm đó, khi đang “chém gió” với vài người bạn, câu chuyện xoay qua khi một người chia sẻ bị mất chiếc xe đạp. Anh Tiến hỏi ở nhà có camera an ninh chưa, thì anh bạn chưa có. Anh cũng chia sẻ thêm về cách lựa chọn camera, các tính năng nên có, cần chú ý và so sánh những gì khi tìm mua, lắp đặt camera trên thị trường. Trước sự tư vấn nhiệt tình, kỹ lưỡng, người bạn của anh Tiến cũng “xiêu lòng”, muốn lắp đặt của Viettel, nhưng đường truyền cũ còn 3 tháng đã đóng tiền, giờ bỏ thì… hơi phí. Anh Tiến cũng làm một so sánh: 3 tháng cước phí internet cũng chỉ khoảng 500.000 đồng. Trong khi hiện tại Viettel đang có chương trình khuyến mại, lắp 1 được tặng 3, anh có thêm 2 cái camera chẳng tốt hơn 500.000 đồng sao và cũng nhân cơ hội này anh tư vấn khách hàng đổi sang dùng đường truyền internet của Viettel luôn để đồng bộ và được hưởng nhiều ưu đãi. Anh bạn đồng ý lắp đặt ngay.

“Bản thân mỗi người bán không chỉ cần nhớ tính năng sản phẩm của mình, mà còn hiểu điểm mạnh yếu của các sản phẩm khác trên thị trường, và cả các chương trình của doanh nghiệp bạn. Khi có đầy đủ dữ liệu, mình mới có thể tư vấn tốt nhất cho khách hàng”, anh Tiến nói.

Chuyên gia bán hàng 17 năm kinh nghiệm của Viettel khẳng định câu chuyện chốt đơn một sản phẩm giải pháp phức tạp hơn bán sim thẻ rất nhiều. Việc “kích hoạt” nhu cầu là khởi đầu, tiếp sau nó là các vấn đề về kết nối, về chất lượng sản phẩm, và lợi ích kinh tế. Tất cả những yếu tố đó phải được khách hàng tường minh mới dẫn đến việc ra quyết định mua sắm.

Chốt “đơn” rồi, người bán hàng cũng đến hiện trường, khảo sát, tư vấn được cho khách vị trí lắp đặt để vừa quan sát tốt, vừa có thể khai thác được các tính năng như đàm thoại bằng camera, đồng thời tìm hiểu giải pháp kết nối qua mạng dây hay wifi, thiết lập thông số,… Trên cơ sở đó, anh em kỹ thuật triển khai có thể dễ dàng lắp đặt nhanh chóng.

“Nếu vị trí quá xa cục phát sóng wifi, kết nối chập chờn, việc giám sát cũng không tốt được. Khách hàng khi trải nghiệm sẽ đánh giá lập tức, và điều đầu tiên sẽ phản ánh với nhân viên kinh doanh đã tư vấn cho họ”, anh Tiến nói.

Những người nắm tương lai của viễn thông

Sau 5 năm tuyên bố chính thức chiến lược chuyển đổi số, Viettel đã chuyển đổi từ doanh nghiệp viễn thông, trở thành một tập đoàn công nghiệp – công nghệ cao. Viễn thông số cũng là động lực mới để Viettel Telecom khởi tạo một cuộc cách mạng mới phổ cập kết nối thông minh. Nhưng để những sản phẩm số thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được vai trò cải thiện đời sống xã hội lại phụ thuộc vào những người tuyến đầu cá nhân kinh doanh.

Screenshot 2024-10-11 at 14.02.02

Chia sẻ về vai trò tư vấn trong bán hàng, chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, Nhân viên điều hành Dịch vụ số, Trung tâm Điều hành bán hàng, TCT Viễn thông Viettel, cho biết thời gian đầu, không ít trường hợp tư vấn “chưa chuẩn” dẫn đến các phản ánh không tốt. Ví dụ camera có phát hiện chuyển động là tính năng tiên tiến, nhưng nếu góc đặt không tốt, cấu hình không chuẩn lại thành điểm yếu.

“Có vụ tai nạn giao thông ở Cần Thơ, cơ quan chức năng thấy nhà dân có lắp camera an ninh, nhưng khi trích xuất thì chỉ thấy 2 xe đâm nhau rồi. Tốc độ va chạm quá nhanh, nên khi camera phát hiện chuyển động để kích hoạt ghi hình thì chỉ thu được hình ảnh sau va chạm”, chị Hạnh chia sẻ. Tất nhiên, các trường hợp tương tự đã được rút kinh nghiệm, phổ biến sâu các kỹ thuật thiết lập thông số, góc máy để tránh các vấn đề tương tự lặp lại.

“Camera an ninh là sản phẩm đặc biệt, phản ánh toàn diện đặc điểm một sản phẩm viễn thông số cho khách hàng cá nhân”, anh Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp CNTT và Dịch vụ số - TCT Viễn thông Viettel, nói. Theo anh, camera an ninh vừa có nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, tiềm năng thị trường lớn. Đặc biệt hơn, dư địa để phát triển các công nghệ tích hợp trên camera rất nhiều. Hiện tại có các thuật toán nhận diện chuyển động, nhưng có thể phát triển thêm nhận diện con người, khuôn mặt, nhận biết khói, đám cháy,… Hàm lượng công nghệ trên một sản phẩm rất cao. Tiềm năng rộng mở, nhưng kèm theo là công tác tổ chức bán hàng, duy trì và phát triển cũng đòi hỏi cao.

“Hiện tại, TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đang phát triển platform cho camera an ninh. Platform là bài toán khó, khi hàng triệu camera của khách hàng chạy liên tục theo thời gian thực. Tuy nhiên, VHT cũng đã hoàn thành phần lớn hạng mục, bước sang giai đoạn hoàn thiện. Khi chúng ta làm chủ nền tảng, chúng ta hoàn toàn có thể dùng công nghệ Viettel để tạo sự khác biệt cho sản phẩm”, anh Tuấn khẳng định.

Camera an ninh cũng chỉ là một trong số nhiều sản phẩm viễn thông số do Viettel Telecom triển khai trên nền tảng kết nối Internet. Mỗi cá nhân kinh doanh sẽ có các chỉ tiêu về phát triển mới các dịch vụ số khác như truyền hình, internet, supernet (wifi mesh), điện thoại internet hay cài đặt các ứng dụng My Viettel, Viettel Money,… Với mỗi dịch vụ, cá nhân bán hàng của Viettel đóng vai trò như một chuyên gia tư vấn, vừa kích hoạt nhu cầu qua lợi ích của sản phẩm, vừa hướng dẫn khai thác hiệu quả, lại đóng vai trò “bảo hành” cho chất lượng dịch vụ luôn.

“Ví dụ để phát triển được các thuê bao Viettel Money, hay đổi sim 4G, việc tự nhiên đến tiếp xúc, rồi đụng vào điện thoại của khách hàng để thao tác là không thể”, anh Lê Minh Tiến chia sẻ. Muốn làm được, đội bán hàng của anh Tiến phải bám sát vào các sự kiện, hoạt động của địa phương, phối hợp với chính quyền để cùng thực hiện. Ví dụ như khi UBND phường, xã có chương trình cài đặt VNEID của Bộ Công an, hay ứng dụng Hi Hanoi của Thành phố Hà Nội, Viettel đề xuất có nhân sự tham gia hỗ trợ người dân cài đặt. Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ hỗ trợ, khách hàng mới có tin tưởng để nhân viên tư vấn, nghe các lợi ích của sản phẩm, cho phép cài đặt phần mềm và tìm hiểu cách khai thác. Đó là cơ hội để phát triển các dịch vụ số mới, như mobile money.

Không trực tiếp sáng tạo công nghệ, nhưng chính những người bán hàng là nhân tố đưa dịch vụ vào cuộc sống. Họ cũng là những người nắm trong tay tương lai của viễn thông số - nguồn lực chiến lược của Viettel Telecom.

186 | 0 Bình luận | 0 Thích